Tùy bút
NGUYỄN THỊ MÂY
Đúng là màu xanh đã biến mất trong một góc vườn nhà tôi. Chỉ có một phần tư thôi nhưng cũng đủ để mảnh vườn như bị cắt trụi, gọt sạch sức sống bấy lâu lan tỏa. Biến chỗ trú tinh thần của tôi thành một sa mạc đầy nắng, gió và nỗi buồn mênh mông .
Chiều. từ chỗ làm trở về, tôi ngỡ ngàng nhìn mảnh sân sau đổi khác. Anh ấy đã chặt tận gốc hai cây bù ngót xum xuê lá, đẽo ngang ngọn cây hoa hoàng hậu đã nhú mấy nụ e ấp, chỉ chờ vài cơn mưa nữa là nở bùng, bừng sáng mảnh sân con. Hai gốc dây leo hoa thiên lý cũng không còn. Và, mấy khóm phù dung cũng không còn vết tích. Tôi đứng chết lặng giây lâu rồi cuối cùng cũng bừng tỉnh và hiểu ra tình yêu đã thật sự đã chết trong tôi. Và cuộc sống vợ chồng kể từ nay giống như hai người lạ góp gạo nấu cơm chung, cùng chui rút dưới một mái nhà, cũng có mối dây ràng buộc là đứa con. Nhưng tôi và anh ấy đã thất lạc nhau.
Ngày xưa, anh hoàn toàn khác. Đó là một người đàn ông hiền hậu, bao dung và sẵn sàng xung phong giúp đồng nghiệp gánh những gánh nặng công việc. Anh luôn nhường quyền lợi cho những người anh nghĩ là xứng đáng dù họ thật sự thua anh. Anh nhường cơm , xẻ áo dù gia cảnh anh bấy giờ rất khó khăn. Anh đem vợ chồng người bạn học về nhà, cho ăn, cho chỗ nghỉ khi họ túng cùng. Để rồi họ tom góp những gì quí giá nhất trong nhà anh rồi trốn mất. Vậy mà anh chỉ buông thỏng một câu:” Chung qui chỉ vì nghèo túng mà ra!” Anh làm cho tôi bồi hồi, xúc động trước cái tình người chứa chan trong một con người nghèo khó. Tôi yêu anh. Tôi trở thành vợ của anh với ý nghĩ còn tìm đâu ra một người đàn ông độ lượng, chân chính hơn thế nữa!
Mấy năm đầu làm vợ, tôi thật sự hạnh phúc. Hai vợ chồng nổ lực làm việc. Cùng cắn đôi cục muối, chia sẻ niềm vui trong cảnh bần hàn. Những đêm đông giá buốt, nằm ôm nhau trong mái lá tuềnh toàng, nghe bụng réo òng ọc đòi ăn mà anh và tôi vẫn cười vui, như đang được dùng mâm cao cỗ đầy. Những ngày hè nóng bức, người này xách nước cho người kia tắm táp. Vào giường thì tranh nhau quạt mát cho nhau. Những lo nghĩ, buồn bực , mạnh ai nấy giấu để người kia không phải lo nghĩ.. Tất cả những điều đó, bỗng dưng biến mất khi đứa con đầu ra đời. Lẻ ra, thằng bé phải là dấu gạch nối giữa hai người yêu thương đến thế. Nhưng đằng nầy nó trở thành một cái hố ngăn cách tình yêu. Dù có nó, một số nhu cầu sinh hoạt của gia đình tăng lên nhưng đâu phải đây là trường hợp đặc biệt gì. Gia đình nào không vậy! Người ta thường bảo: “Sinh đứa con, nghèo ba năm”. Điều đó khẳng định rằng, bất cứ gia đình nào khi có thêm thành viên mới thì chi phí của gia đình tăng vọt. Nếu không khéo sẽ túng thiếu. Thay vì cùng tôi tích cực chung vai gánh vác, làm lụng hơn nữa thì anh lại trốn chạy bằng cách vắng nhà thường xuyên. Anh ở lại cơ quan hoặc la cà quán sá với bạn bè đến nửa đêm và ít khi trở về nhà mà người không nực nồng mùi rượu. Anh để mặc cho tôi vừa chăm sóc con, vừa lo việc nhà vừa lo việc trường lớp. Đã vậy lâu lâu còn lớn tiếng so sánh tôi với những cô bạn đồng nghiệp trẻ trung, xinh xắn. Anh liên tục làm trái tim tôi đầy dẫy những vết cắt vô tình của chiếc lưỡi không xương. Anh phủ lên đầu tôi những trách nhiệm mà theo anh, chính tôi phải gánh chịu vì tôi là nguyên nhân của sự bất hạnh mà anh đang mang trên người. Anh làm cho cái hố ngăn cách vợ chồng ngày một rộng ra và biến tôi dần trở thành lãnh cảm.
Tôi bắt đầu trở thành một con người khác. Tôi cắm cúi làm, cặm cụi chăm chút cho con, tỉ mẫn nghiên cứu, học tập và lạnh lùng với hạnh phúc. Tôi sống như một cái máy loại xịn. Tất bật hoàn thành công việc một cách xuất sắc. Nhờ vậy, vị thế của tôi nâng dần. Song song đó, lương cũng được nâng cao theo năng lực làm việc. Cuộc sống gia đình trở nên thoải mái về vật chất nhưng cái hố đen ngòm giữa tôi và anh thì bây giờ trở nên sâu rộng như biển. Anh thường xuyên kiếm cách nói như thế nào để làm tôi đau hơn , Anh chăm chỉ bươi trong bếp lạnh chút tro tàn để làm tung tóe bụi thời gian. Anh càng điên tiết khi thấy tôi như tượng đá, cứ ngang nhiên sống và âm thầm trơ gan cùng năm tháng. Ngoài giờ lên lớp, xong việc nhà, tôi thường ra khu vườn mới tậu được để trồng trọt, tỉa tót cây hoa. Và chẳng bao lâu, khu đất cằn cỗi đó đã rợn ngợp màu xanh của hy vọng, của sức sống trào đâng.
Thế nhưng chiều nay, màu xanh biến mất! Màu xanh của một khoảnh vườn đã bốc hơi, bay khỏi vòm trời riêng của mẹ con tôi. Để lại trong sân nhà một gã đàn ông vô cảm với thiên nhiên, tự tay đào cái hố ngăn cách thành một đại dương không bờ, không bến . Và, ở môi bên bờ, không ai còn trông thấy ai được nửa!
Tranh của danh họa Đỗ Duy Tuấn