GIẤC MƠ SUM VẦY -
Tùy bút Nguyễn Thị Mây
Nhà văn Nguyễn Thị Mây
Khi gió chướng phất qua khung cửa hẹp, nắng xuân hanh hao trải vàng trước ngỏ, tôi lại bồi hồi nhớ về mùa xuân năm cũ. Mùa xuân ba trở về, mang theo hơi hướm hạnh phúc, dệt nên khoảnh khắc sum vầy, làm ấm lại mái nhà liêu xiêu từ lâu lắm.
Ngày giáp tết, cả nhà đang tất bật chuẩn bị dọn cổ rước ông bà thì ba bất ngờ xuất hiện bên ngạch cửa. Tay phải ba xách va li, tay trái cắp một cái túi vải to tướng. Ba khẽ gọi: "Mình ơi!” Mẹ giật mình đánh rơi cái bát. Mẹ òa khóc. Ông ngoại reo lên: "A, con đã về! Vào nhà đi con!”. Chỉ chờ có vậy, ba chị em tôi ào ra, vây quanh ba.
Ba tôi bỏ xứ theo người đàn bà khác đã mấy năm. Một mình mẹ gánh vác việc trong ngoài, ra vào thui thủi. Ba về! Gian nhà như bừng tỉnh sau một giấc mơ dài. Ba lôi từ trong cái túi vải căn phồng xấp vải gấm màu vàng nhạt làm quà cho mẹ. Ba biếu bà cái ống ngoáy bằng đồng sáng loáng để bà giầm trầu. Ba tặng ông một cái ống điếu bằng sừng bóng nhẩy. Quà của chị tôi là một cái áo đầm trắng có viền đăng ten. Thằng Út được một bộ đồ tây màu xanh da trời. Và ba lôi từ đáy bao ra món quà cuối cùng dành cho tôi là một đôi giày đỏ… đã cũ. Tôi reo lên: "A! Một đôi hia bảy dặm!” Nhưng trái tim bé thơ của tôi đau nhói như có ai vừa đặt lên đó một vết thương.
Ba ngày tết năm ấy thật vui. Gia đình được hưởng những giờ phút sum vầy hiếm quí. Ba đưa mẹ một xấp tiền bảo để tiêu xài và nghỉ bán vài hôm. Đó là những ngày hạnh phúc nhất của gia đình tôi. Ngày mùng một tết, vừa thức giấc mỗi đứa đã có một bao lì xì đỏ chói. Chúng tôi được ba mẹ dắt đi chùa rồi ghé chúc tết họ hàng hai bên nội ngoại. Thích nhất là cảnh năm người chất lên một chiếc xe lôi. Tôi ngồi vắt vẻo bên vè trái, hí hửng nhìn phố xá tinh tươm, người qua, kẻ lại ăn mặc xênh xang, rực rỡ. Rồi cả nhà ghé quán hủ tiếu của chú Xìn. Chưa bao giờ tôi ăn thấy ngon như hôm ấy.
Mùng hai tết, ba đưa mẹ và chị em tôi đi thăm cảnh đẹp ao Bà Om. Tôi tót lên một gốc cây lộ thiên ngồi cạp bắp luộc, nhìn lá dầu bay lả, ngắm sen nở rộ trông như những ngọn đèn màu hồng trôi trên mặt nước. Lâu lâu, lén nhìn ba mẹ âu yếm nắm tay nhau.
Mùng ba tết, ba giúp mẹ làm gà cúng tất. Mẹ tôi và bà cuốn chả giò. Đó là bữa cơm thịnh soạn nhất từ ngày ba đi đến giờ và cũng là bữa cơm kết thúc niềm vui tưởng đã đong đầy trong lòng những người thân thuộc. Trong lúc quá chén, ba nhìn tôi rồi bỗng gầm gừ: "Đi chỗ khác! Nhìn thấy mặt mầy là tao đã không chịu nổi. Đồ con hoang!” Quay sang mẹ, ba bảo: "Qua tết, em vứt nó vào viện mồ côi đi!”. Cả nhà chưng hửng. Mẹ gượng cười: "Anh say rồi!”. Nhưng ba quát: "Tôi không say. Nó là con của thằng nào? Em chọn đi, nó hay tôi?”. Mẹ lau vội nước mắt, bỏ vào buồng, gom hết quần áo ba vào va li rồi lấy những món quà ba tặng nhét vào cái túi vải. Mẹ lôi xềnh xệch chúng ra trước mặt ba. Ba đã hiểu. Tay phải ba xách va li, tay trái ba cắp cái túi vải to tướng ngất ngưởng đi ra cửa. Ba mang mùa xuân theo cùng!
Từ đó, chúng tôi không còn gặp lại ba. Thời gian thản nhiên trôi. Mãi đến giờ, tóc tôi đã bạc, lưng đã còng, tôi vẫn không hiểu vì sao ba lại chọn tôi làm cái cớ để ra đi? Dù mẹ tôi đã giải thích:
“Ví dầu tình bậu muốn thôi,
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra…”
Mùa xuân lại về. Tôi lại mơ khoảnh khắc sum vầy ngày cũ. Điều đã trở thành nỗi ám ảnh theo tôi mỗi độ mai nở vàng trước khoảnh sân xưa.
N.T.M