Về Cồn THỚI SƠN,
nghe ĐÀN CA TÀI TỬ
Trong bài trước tôi đã cùng các bạn về một miền trung du xem và lắng nghe chương trình giao lưu Cồng Chiêng của người dân tộc, một chương trình thú vị và gắn bó, biểu hiện tình đoàn kết giữa người miền núi và miền xuôi, lần này nhân chuyến đi công tác xã hội ở một tỉnh miền Tây tôi lại có dịp mời các bạn thưởng thức một chương trình giao lưu văn nghệ mang tên “Đàn ca tài tử” ở vùng quê sông nước ( Cồn Thới Sơn tỉnh Tiền Giang )
Đến tụ điểm đàn ca tài tử trong khu vườn trái cây dưới mái lá mát rượi và giây phút yên tĩnh để thả hồn vào những khúc dân ca
Đàn ca tài cử là loại hình tượng trưng cho văn nghệ miệt vườn đã thông dụng từ hồi cha ông ta đi mở cõi, trước khi tuồng cải lương của miền Tây ra đời, loại hình này phát xuất từ các tỉnh miền quê sông nước từ thuở bài “Dạ cổ hoài Lang “ được nhạc sĩ cổ nhạc Cao văn Lầu ở Bạc Liêu sáng tác và phổ biến trong dân gian, nó gồm những bản vắn, bài ca sáu câu mà các nghệ nhân sáng tác trong quá trình lao động sản xuất hay trong sinh hoạt hàng ngày truyền tụng từ vùng này sang vùng khác và trở thành một nếp văn hóa của người dân để giải trí và lưu lại những tác phẩm dân gian, người ta gọi là “tài tử” vì nó thông dụng và không thành chuyên nghiệp, một buổi họp mặt chỉ cần một cây đàn cổ (guitar 5 dây) hay một dàn đàn gồm đàn kìm, đàn cò, violon… hòa nhau thì thành một chương trình. Lúc đầu chỉ có những bản vắn như : đảo ngũ cung, nam xuân, nam ai, ú liu ú xáng… sau này thì bổ sung rất nhiều bản dân ca, luôn cả 6 câu vọng cổ cho đến khi hình thành đoàn cải lương hoạt động chuyên nghiệp thì “đàn ca tài tử” vẫn tiếp tục lưu hành trong dân gian cho đến ngày nay.
Du khách thích thú nghe lời ca tiếng hát của một diễn viên "cây nhà lá vườn"miền quê Nam Bộ
Lần này, có dịp về thăm cồn Thới Sơn (cồn Phụng) sau khi viếng các cửa hàng giới thiệu mật ong, kẹo dừa chúng tôi được hướng dẫn vào thăm một tụ điểm “đàn ca tài tử” rất nên thơ trong khu vườn trái cây mát mẻ, còn gì hơn trong không khí êm ả buổi trưa bình yên ta được nghe những lời ca tiếng hát hòa trong tiếng đàn dân tộc những bài ca nhớ một thời nổi tiếng như : “Tình anh bán chiếu” “Dòng sông quê em” …do những nghệ sĩ miệt vườn biểu diễn, đó là những chàng trai, cô gái chân quê luôn bám ruộng đồng để hình thành khu cù lao Thới Sơn trù phú bây giờ mà vẫn không quên lời ca giọng hát, thật ra chương trình đã biểu diễn nhiều lần nên thật chuyên nghiệp, tiếng đàn tiếng hát đều khẳng định đây là những nghệ sĩ có kỷ năng chớ không còn là nghiệp dư vì khi hát với một dàn đờn hòa âm phải có làn hơi, nhịp nhàng cũng phải tuân thủ theo tiếng “cốc cốc” của người nhạc trưởng ... Sau phần biểu diễn sôi động của nhóm “tài tử” là phần giao lưu của khách mời và giọng ca tiếng hát ấy đã hòa quyện cùng nhau cho ta thấy loại hình văn hóa miệt vườn này là món ăn tinh thần hữu ích cho mọi người không phân biệt nông thôn hay thị thành và ai cũng có thể hát dù bài bản không dễ như 6 câu hay những bản vắn trong khuôn khổ mới hòa hợp với dàn đờn..
Vừa thưởng thức văn nghệ vừa được mời ăn 5 loại trái cây theo mùa uống trà ngon thì còn gì thích bằng
Chương trình được mọi người hưởng ứng với những tràng vỗ tay những thành viên trong đoàn lên tặng hoa cho người hát tạo một nét văn hóa vui tươi bổ ích cho ngày cuối tuần ở vùng quê này…
Tran Chu Ngoc.
(CĐSP.NLS/SG-K7)
Màn giao lưu bài hát "dòng sông quê em" giữa nhóm Tài Tử" cùng với du khách được mọi người hưởng ứng nhiệt liệt
|