Tùy Bút:
Đây là bài viết của một người bạn rất thân . Chúng tôi có 50 năm tình bạn . 5 năm học chung NLSCT từ lớp 8 - lớp 12 . Cùng là Sĩ quan Trợ Y và là đồng nghiệp tại bệnh viện 30-4 Tp Cần Thơ ( cũ ) . Do bạn không thích và không có Nick trên Facebook nên tôi xin phép bạn được gõ bài này để chia sẻ cùng nhau . Bài viết rất hay , rất thật , đồng cảm cho những người về hưu.
Đỗ Trí
ÔNG LÃO VỀ HƯU
---- Người kế tiếp --- Đến ông lão kia đi !
Tôi còn đang ngờ ngợ, thì vị bác sĩ trẻ tuổi chỉ vào tôi .
---- Ưu tiên cho ông lão này đi .
Tôi hơi ngỡ ngàng, hóa ra " ông lão " là tôi đây. Sao nhanh quá vậy? Không phải nhanh đến lượt mình, mà là nhanh được lên hàng " ông lão ". Về hưu chưa đầy mười năm . Giờ ta đã là " ông lão " rồi sao ? ! ! !
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc có viết : 20-30 tuổi người ta còn quá trẻ. 30-40 tuổi thì đang trẻ. 40-50 tuổi hãy còn trẻ . 50-60 tuổi trẻ không ng . 60-70 tuổi trẻ lạ lùng và trên 70 tuổi là trẻ vĩnh viễn. Như vậy, đâu có khoảng tuổi nào là già đâu. Ta đang ở độ tuổi " trẻ lạ lùng " mà sao gọi là " ông lão "?!!!" Về Hưu " hai từ mới nghe thấy là lạ rồi thời gian nó cũng dần quen đi. Tâm trạng lúc mới về hưu nó cũng là lạ. Có hôm, sáng dậy trể , giật mình, nhưng định thần lại. Ồ! Sung sướng quá! Ta đã nghỉ hưu rồi mà, đâu cần phải vội vội , vàng vàng như thế. Rất thanh thản và rất thư thái...nhiều ngày và nhiều ngày như thế rồi cũng dần quen. Quen luôn với những nỗi buồn và hụt hẩng trong ta .
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh . Về hưu rồi, mỗi người sẽ có một hoàn cảnh khác nhau. Người nào bản lĩnh thì sẽ duy trì được phong độ của thuở đương thời. Còn đa số không khéo thì gần như mất tất cả...
Lãnh lương hưu, thưởng Tết. Ôi! Sao lại buồn thế! Nghe người ta thưởng Tết từ vài chục đến vài trăm triệu. Còn mình " ba cọc, ba đồng " chỉ đủ uống vài cà phê "lưng chừng" mỗi buổi sáng. Mà thôi ! Hãy vui lên đi! Ta còn có cà phê sáng là đã hơn được nhiều người lắm rồi. Đầu tháng lãnh lương, có tiền, gọi điện rủ vài thằng bạn " già hưu " đi uống tách cà phê, bù khú chuyện trên đời, chuyện trên trời. Bạn bè thân thiết còn được mấy ngoe đâu.
Ra đường "triệu người quen có mấy người thân" bao nhiêu người quen giờ gặp lại, không mấy người thân. Không biết vì mình nhìn không ra người ta, hay vì người ta không thèm nhìn mình. Và đến "khi lìa trần có mấy người đưa "? ( bài không tên số 4 của Vũ Thành An )
Bạn bè có đám tiệc, không mời thì buồn, tự cho là mình mất uy tín quá rồi, không ai còn nhớ đến mình nữa. Nhưng khi được mời thì cũng buồn, vì trong túi còn ít tiền quá .
Về nhà, nhiều người nhận xét, mình dạo này ít nói. Có lẽ đúng! Nói nhiều để làm gì, khi chẳng còn ai thích nghe mình nói, chẳng còn ai quan tâm đến ý kiến của mình. Nói nhiều, có khi bị cho là ông già lẫm cẫm, khó tính. Giờ muốn đi đâu cũng không được tự do, nào là : lớn tuổi rồi, không được tự lái xe, mắt mờ, tai nghễnh, phản ứng chậm và còn bao nhiêu điều nữa ....không được , không được và thế là không được. Muốn đi đâu, đã có con đưa cho đi. Vợ con cho ăn gì, thì ăn nấy . Cho mặc gì, thì mặc nấy. Muốn mua sắm gì, vợ con mua cho. Tất cả đều phải lệ thuộc vào người khác, vào vợ con . Tại sao lại thế ! Nhưng hãy tự hào về điều này đi. Bao nhiêu người muốn mà không được đấy.
Có một nghịch lý đời thường là -- trong mắt cha mẹ -- con mình lúc nào cũng còn nhỏ, dù nó có là một tổng giám đốc, có cả trăm nhân viên dưới quyền. Còn trong mắt con cái : cha mẹ vừa về hưu vài năm, đã cho là già . Không được thế này, không được thế nọ, không được thế kia ..... trong khi bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc thì khuyên : người lớn tuổi nên làm cái này, nên làm cái nọ và ngay cả nên làm " cái kia ".
Khi còn đương thời, ta còn đầy tự tin vào tài năng, uy lực của mình để làm cây Bách, cây Tùng và còn là trụ cột cho bao người dựa đỡ . Giờ thì sao ? Tất cả đều đã mất rất nhiều. Tiền bạc , sức khỏe, bạn bè , tự do, danh dự, uy tín dần dần đã rời xa ta. Không còn tự tin vào năng lực của mình, và khi không còn đủ tự tin vào chính mình nữa thì đã đến lúc phải tin vào Thượng Đế . Đêm đêm, thắp hương cầu nguyện Phật Trời để xin được mọi điều như ý.
Tất cả đều mất rất nhiều. Chỉ còn quanh ta những tiếng bi bô, tíu tít gọi ông ngoại, ông nội, chưa tròn vành rõ chữ, mà sao nghe quá đổi yêu thương. Giờ bận bịu với cháu, làm bạn với cháu để thấy còn một chút gì đó. Chơi với cháu để yên tâm là mình không bị giận hờn , trách móc...và đây cũng là một hạnh phúc rất lớn của phần đời còn lại mà không phải ai cũng có được .
Người xưa có câu " Quan tha thì ma bắt " . Về hưu là xem như đã được quan tha rồi. Giờ chỉ còn chờ ma bắt thôi . Nhưng không biết lúc nào đây .
------ Lão già kia ! Hãy đợi đấy !!!!!
ĐỖ LƯỢNG
.