2 Kẻ lang thang khám phá nước Mỹ
Thứ bảy là ngày nghĩ cuối tuần, vợ chồng Thanh Hạ dự định đưa chúng tôi đi chợ Việt Nam.
9:30am, thứ bảy, 22-4-2017, trong khi chờ đi qua nhà anh Jack Leake, tôi thấy trong "xóm" hôm nay có vẻ lạ, nhiều xe hơi đậu dọc vài con đường. Tôi bước tới một ngôi nhà mà phía trước có treo 3 bong bóng màu nơi hộp thơ, thấy nhiều đồ gia dụng đang bày biện dưới sân, trong garage thì có vài cái bàn sắp xếp ngay ngắn đủ thứ đồ như bàn ủi, đèn trang trí, chén, dĩa, ly tách..., sát tường là những móc áo quần...có nêu giá. Thì ra đây là ngày mà một số nhà nơi đây mang những thứ không còn dùng trong gia đình ra bán rẻ, em dâu tôi nói người Mỹ gọi là "Garage Sale". Xóm Overlook này mỗi năm có 2 lần Garage Sale, hôm nay và 1 lần vào khoảng cuối năm. Đây là sinh hoạt đặc biệt của người Mỹ, mỗi xóm thường có 2 ngày như thế này trong năm, thời điểm mỗi nơi mỗi khác, được thông báo trước đầu "xóm". Ha ha, tôi đã thấy cái thông báo này ngay chỗ cổng vào Overlook hôm đạp xe lần đầu ra chỗ trường học, chữ Garage Sale mà tôi tưởng ai đó đăng bản bán garage! Đúng là 2 lúa.
Em dâu tôi nói hay là sau khi qua nhà chị Hiếu, mình chở anh chị về để dạo Garage Sale, vì nó chỉ có hôm nay, 2 giờ chiều thì đã hết rồi, chợ Việt Nam để hôm khác.
Dĩ nhiên chúng tôi hoan nghinh hết...4 tay!
Thật sự đây là một loại hình văn hoá khá đặc biệt mà lần đầu tiên tôi mới gặp. Là một loại chợ lề đường, bán đồ "cũ" đã hoặc chưa qua sử dụng vì...dư, hoặc vì ... ngứa mắt bán quách cho rồi!
Như tôi đã nói, ở Mỹ mà thiếu con 4 bánh thì chỉ có nước ...giãy chết thôi. Một nhà nhiều khi có 2, 3 ...chiếc, nên phải có chỗ để xe. Nơi đây cũng là chỗ tập hợp hằm bà lằng bù lon, con tán, giày, dép cũ, mới, máy móc, xe cộ khác xe hơi...Và khi muốn thảy bớt những thứ không còn dùng, cho sạch tủ, gọn nhà, những người trong cùng một xóm hẹn nhau chọn một ngày đẹp trời, tổ chức Garage Sale. Đăng bảng thông báo cho bàn dân thiên hạ đến, trước mua vui, sau làm nghĩa! Nghĩa ở đây là lợi ích đôi đường, người mua tìm được món đồ ưng ý mà giá cực bèo, kẻ bán thì có thêm chút đỉnh đô la để...mua cái khác, đồng thời lại được dịp tống khứ bớt rác cho sạch nhà. Thậm chí có món lại gắn miếng giấy"free"! He he, đừng tưởng rác này là đồ bỏ nghen, vì có trường hợp người mua chỉ "bỏ ra" 80cent, để "bỏ vô" túi mấy chục đồng xu cũ, về sau bán lại cho dân sưu tập tiền hốt lấy mấy trăm ngàn...$US !
Có khi nhà nhiều đồ cũ quá, garage không đủ chỗ, người ta bày tuốt ngoài sân cỏ, nên kiễu bán này còn được gọi là "Yard Sale".
Hồi khởi hành đi qua anh Jack Leake, tôi thấy có nhà bày cả mấy bức tranh, em dâu tôi nói, đã từng có trường hợp một ông mua được vài bức tranh cũ chỉ mấy chục đô về treo chơi trên tường nhà, không ngờ, trong số đó có bức của danh họa, trị giá lên đến hàng triệu đô. Đó là trường hợp mà người Mỹ gọi là "Moving Sale", nghĩa là bán hết những gì có trong nhà do thừa kế, con cháu không biết giá trị đồ đạc do ông bà để lại. Cho nên trong số những người đi "chợ" Garage Sale cũng có không ít người thuộc giới sưu tầm và thường thì là cho...vui!
Hôm nay, may mắn lại đến với 2 kẻ lang thang này, là gặp được Garage Sale ngay trong xóm mình đang tạm trú, tha hồ thả bộ loanh quanh để được chào mời mua hàng như...dân bản địa Huê Kỳ!
Nhìn các món đồ bỏ của nhà giàu thấy mà ham, từ đồ chơi của con nít, đến chiếc xe điện 4 bánh chuyên dùng trong sân golf, từ con búp bê xinh xắn đến bộ đầm thời trang lộng lẫy...lại có cả chiếc xuồng cano 2 người bơi với đầy đủ áo phao, tới chiếc xe mui trần trắng muốt sang trọng.
2 vị khách Lúa Long xuyên hỏi lung tung đồ, cuối cùng cũng mua "mão" mấy món đồ chơi với giá ... 2 đô, nếu chịu làm Cả Quỷnh, chắc chỉ ...22 ngàn đồng Việt Nam!
Bong bóng màu làm dấu như kiễu "bẹo" hàng ở chợ nổi Cần Thơ.
Hổng biết trong số xe này có cặp nào tách ra lái con xì po mui trần dìa nhà hông, mà chưa tới 2:00pm, nó đã biến mất!
Anh bạn này bán thức uống và bánh (ăn vặt lề đường, đầu xóm) thấy 2 đứa tui đi bộ bên kia đường, vội cầm 2 chai nước ướp lạnh bước qua
ấn thẳng vào tay...mời uống free. Anh còn tặng cho miếng bánh ăn thật ngon. Bán buôn kiễu gì thiệt ngộ, ai mua thì bán, ai hỏng mua thì...cho không! Chắc chỉ bán cho vui?
Chẳng hiểu nỗi cái xứ Hoa...kỳ cục này!
Chợ, xuất hiện rất sớm trong lịch sử loài người, khi sản xuất, săn bắn, hái lượm...vượt nhu cầu cá nhân. Lúc đó, việc trao đổi, rồi mua bán... được thực hiện.
Mấy hôm nay, tôi cũng đã được đi qua vài chợ, như chợ đặc biệt Garage Sale mà tôi vừa kể. Có một loại chợ khác cũng thuộc loại đặc biệt mà ở nước nào cũng có, đó là "Hội chợ".
Hồi còn nhỏ, khoảng đầu những năm 1950-1960, tôi được mấy dì dẫn đi xem hội chợ ở Long Xuyên. Lúc đó tôi chưa là dân tỉnh lỵ này, nên được rời khỏi cái chợ nghèo quê mùa Vàm Cống, vượt qua sông Hậu, lên thị tứ Long Xuyên là biến cố cực kỳ trọng đại đối với thằng bé con mới chừng 8 tuổi. Tôi vẫn còn nhớ khu tổ chức hội chợ là sân trường Nữ tiểu học Long xuyên, nằm đối diện bệnh viện, bên kia đường "Nhà xác".
Dầu cù là Mashu, Khuynh diệp Bác sĩ Tín...cùng với rất nhiều sản phẩm nội hoá khác thuộc các ngành hàng tiêu dùng vừa mở cửa sản xuất sau thời kỳ Pháp chiếm đóng. Đó là hội chợ đầu tiên mà tôi biết, với slogan: Ta về ta tắm ao ta,
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.
Lụa Tân Châu, lãnh Mỹ A, với con rồng vàng kết bằng những kén tơ óng ả. Khuynh diệp Bs Tín chảy ra 1 giòng suối trong xanh màu bạc hà eucalyptol quyến rũ mấy bà...bầu! Tiếng ca hát, quảng cáo tưng bừng trên hệ thống loa khuếch đại công suất cao, đèn màu xanh đỏ tím vàng...làm loá mắt thằng "cù lần" vừa mới lần đầu đi "hội chợ".
Sau năm 1975, tư bản là kẻ thù của chế độ mới, chợ búa lần hồi điều hiu như ...chợ chiều! Đầu những năm 1980, khi về sống ở Vàm Cống, tôi phải ăn cháo thịt, uống cà phê...chui tại quán Chú Tư Quảng Lợi!
He he, rồi xã hội cứ lụn bại dần vì những chính sách sai lầm ấu trỉ, để đến lúc nhà nước thay đổi, tự nhận thời "ngăn sông cấm chợ" lỗi thời. Đổi mới, theo trào lưu Perestroyka ở Liên Xô, đất nước dễ thở hơn, hàng hoá, chợ búa bắt đầu sung độ. Một hình thức vui chơi mới nhanh chóng tràn lan khắp các tỉnh phía Nam, đó là các "hội chợ" tư nhân. Phải công nhận những ông "bầu sô" này nhạy bén thật. Cứ tập họp một số tay "đá cá lăn dưa"(xin lỗi, tôi ám chỉ các anh chị em dám làm mọi chuyện, miễn là lương thiện), dám đem tài hèn, sức mọn của các nghệ sĩ nghiệp dư...đi theo "đoàn hội chợ", quanh năm, suốt tháng, chẳng khác gánh hát cãi lương, hết làng đến chợ.
Một đoàn hội chợ thường gồm có mấy trò chơi hấp dẫn như cởi thú xoay, lắc, chạy xe điện, trượt cầu tuột, nhảy nhà banh...để dụ khị con nít, lôi kéo người lớn. Kèm theo là vài anh biết làm ảo thuật, biểu diễn xiếc, thêm mấy "chị" pê đê để kêu lô tô thì hết xẩy!
Hàng hoá ở các hội chợ này thường không phải loại quảng cáo, mua bán, mà chỉ là giải thưởng của các trò chơi.
Thực sự các hội chợ đều khai thác cái tinh thần "ham vui cờ bạc" là chính. Lô tô, thảy vòng vịt, bắn bia, xổ số trúng thưởng...luôn hấp dẫn mọi người. Ai cũng biết món quà may mắn hay của hoạnh tài trúng thưởng lô tô...đều là tiền của ta vừa móc túi bỏ ra.
He he, dẫu biết rằng "hội chợ" làng quê lâu dần biến tướng, thành trò gạt gẫm nông dân, thậm chí có lúc còn bị kêu ca là "điếm thúi về làng"; nhưng trong chừng mực nào đó, nó cũng như một kiễu sinh hoạt giúp phá vỡ cái nhàm chán, mệt mõi trong cuộc sống vất vã đời thường. Nó đến, rồi đi, chẳng thấy làm ai tán gia bại sản, chỉ có thể làm cho cô thôn nữ bổng thấy vấn vương cái anh chàng đẹp trai đọc hiệu lô tô muồi như danh ca Tấn Tài vô vọng cổ...
...Lô tô lô tô
Anh chị nhào vô
Mua vui là chính
Đừng có lính quýnh
Số...9 vừa ra...
Số 9 vừa ra,
Con gì đây ta,
Con gì đây ta...
Tử Kỳ Bá Nha
Bạn bè tri kỹ
Kỳ ngủm củ tỉ
Bá Nha khóc la
Là con số 3...
...
Con mấy cờ ra
Cờ ra con mấy?
Nói mà không thấy
Thì chẳng ai tin
Thuốc uống hổng linh
Kêu là thuốc dõm
Xổ lãi Nhành Mai
Là thuốc đại tài
Bao nhiêu con lãi
Cũng phải bái bai
Là con số ...2!
....
Lác khô đi trước
Lác ướt đi sau
Hai lác gặp nhau
Sạc ơi là sạc
Sạc đổ máu đào
Tối ngày phải gãi
Là con số ...7
...
Thằng đọc hiệu đang ngon trớn bóc cờ chưa kịp kêu số kế bổng tá quả tam tinh vì cái cùi bắp của thằng 3 Nhái bay vô đầu, nó nói lớn, số 7 nè, số 7 cho mày gãy răng luôn, cho mày dám chọc tới...đám lác của tao!
Ha ha, tội nghiệp thằng đọc hiệu lô tô, nó có biết ất giáp gì cái vụ lác của thằng 3 Nhái đâu...
He he, đó là hội chợ một thời dở cười dở khóc ở quê xa, hôm nay các em tôi cho 2 kẻ bụi đời đi chơi hội chợ Mỹ.
Đây là Hội chợ quốc tế Atlanta, chuyên về ẩm thực (Atlanta International Night Market. Taste The World)
Địa điểm cách nhà đến 50 phút. Anh Jack Leake đề nghị tất cả 7 người chất lên chiếc Landcruise của anh ấy đi cho tiện. Điểm hội chợ không quá rộng như kiễu hội chợ Hàng chất lượng cao của Việt Nam, cũng chỉ là những gian hàng đơn giản gọn gàn trong các lều vải trắng. Mỗi gian hàng là một điểm bán thức ăn, nước uống truyền thống của các dân tộc trên thế giới. Thật sự tất cả đều do các người Mỹ hoặc Mỹ nhập cư, đang sống tại đây, họ mang đến hội chợ hương vị quê hương để giới thiệu cùng mọi người, như:
Việt Nam, Indonesia, Thái lan, Ấn độ, Hy lạp, Thổ nhỉ kỳ, Pháp, Nga...v...v... Họ là những người tình nguyện, tổ chức sự kiện để giới thiệu 1 nét văn hoá của dân tộc mình.
Thiệt sự tôi không thể nào có khả năng ăn được trên 3 nước! Chỉ thử món thịt nướng Indonesia và món củ hành lăn bột chiên của Hy lạp là ngán muốn chết, nếm thêm chút salad gì đó rồi vài miếng khoai tây chiên là ngất ngư ứ ừ ư!
Nhiều chỗ chúng tôi phải sắp hàng để chờ mua. Khóm, dừa, phở, bánh tét, nước mía... có đủ cả. Mọi người chen chút đông vui, nhiều sắc dân mà tôi không thể nào biết hết, người lớn, con nít, có đứa nằm trong nôi, có đứa ngồi trên vai, theo cha mẹ len lỏi vô cái không gian náo nhiệt của hội chợ được tổ chức lần đầu tiên này, từ 21-23 April tại Atlanta, thu hút trên 50.000 lượt khách đến dự.
Một sân khấu nổi bậc làm nơi trình diễn các tiết mục âm nhạc truyền thống như đánh trống, múa vũ...
Và trước khi ra về, chúng tôi dắt nhau đến nơi đây để xem các cô gái nóng bỏng Nam Mỹ biểu diễn những vũ điệu rực lữa, ngay trước mặt thực khách đang vừa thưởng thức hương vị toàn cầu, vừa lắc lư nhún nhảy cực sung theo tiếng nhạc tưng bừng của các chàng nghệ sĩ vùng Caribe
Biểu diễn trống.
chính hiệu bánh ... xèo !
Bể nước 10 triệu lít cùng bộ sưu tập hơn 100.000 loài sinh vật biển đến từ khắp 5 châu, là thủy cung lớn nhất thế giới Georgia Aquarium.
Hôm nay cô em dâu nhất quyết đưa 2 anh chị đi viếng thuỷ cung này. Tay lái lụa Mai Dao đã phải dựa vào kinh nghiệm và quen đường để mất đến gần 50 phút sau mới đưa chúng tôi trở lại khu Downtown Atlanta. Thì ra Georgia Aquarium lại nằm kế bên Tổng hành dinh CoCa Cola, chỉ cách nhau bởi thảm cỏ xanh của công viên nối liền ở giữa. Khu vực này còn có nhà tưởng niệm Mục sư Luther King.
Phải mất từ 2 đến 4 tiếng để đi thăm hết thủy cung cùng dự khán 2 show biểu diễn của hải cẩu và cá heo.
Ocean Voyager là một bể nước mặn khổng lồ dài 87m, rộng 38 m và sâu 9m, được bao bọc bằng lớp kính cường lực dày, trong suốt, khiến du chúng tôi tiếp cận một cách gần nhất các loài cá khổng lồ, hung dữ vốn chỉ được thấy qua hình ảnh hoặc sách vở.
Ngoài ra chúng tôi còn đi ngang qua 1 đường hầm trong suốt để ngắm nhìn cận cảnh những chú cá đầy sắc màu hoặc có hình thù kỳ dị, vốn chỉ có ở đáy đại dương, nơi mà có lẽ suốt đời mình không thể nào xuống tới.
15 phút xiếc hải cẩu và 30 phút biểu diễn của cá heo thật sự hoành tráng, là 2 tiếc mục hấp dẫn nằm trong chương trình với giá vé vào cửa Georgia Aquarium không hề rẻ: 75$us(dù đã giảm40%)!
Kẹt xe là vấn nạn của nhiều nơi trên thế giới, nhưng có lẽ Sài gòn và Hà nội là 2 nơi mà tôi thấy kinh hoàng nhất, so với vài thành phố mà tôi có dịp đi qua.
Cũng so với những nơi mà tôi đã qua, Việt Nam ta có lẽ là nước có nhiều xe gắn máy nhất, hình như đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến kẹt xe?
Sau 18 ngày sống trên đất Mỹ, tại thành phố Atlanta này, từ cao tốc đến đường phố, tôi chưa hề thấy kẹt xe, dù nhiều con đường xe chạy dày đặc, với tốc độ chóng mặt.
Ở đây, phương tiện đi lại chính là xe 4 bánh, nhà có mấy người lớn là có từng ấy xe! Thỉnh thoảng mới thấy xe mô tô, thường là loại phân khối lớn. Hãy tưởng tượng, trên cao tốc xe hơi chạy 70-80miles/h, mà nhiều tay motorbiker lại vượt qua thì mới thấy tè! Cho nên, luật cấm xe mô tô dưới 700 phân khối lưu thông trên cao tốc vì không an toàn. Bây giờ nhìn thấy mấy con "ngáo ộp" 2 bánh, được mấy tay yên hùng xa lộ Mỹ dềnh dàng, dũng mãnh chuyển làn xe trên cao tốc, thì nghĩ lại con Daehan cùi bắp của mình giống như con còng gió so so càng với con cua kình biển đông!
Thiệt tình mà nói, vì quen cỡi con Daehan rong chơi khắp chốn, nên tôi cũng rất quan tâm đến tình hình chạy xe 2 bánh bên cái xứ đầy nhóc ô tô này. Cho nên cứ hễ thấy em nào lạ lạ là dòm ngó, chụp hình. Thường thì chộp đại từ trong xe hơi, gần nhất cũng chỉ 3, 4 thước tây thôi, chớ không dám đụng tới vì lạ. Chợt nghĩ lại thì đã 20 ngày không chạm tay vào con 2 bánh nào, thấy nhớ con Daehan, chưn cẳng cũng ngứa ngái mà đành chịu thôi!
He he, vậy mà hôm nay tôi lại được cỡi con Suzuki này trên xa lộ Mỹ mới đã chớ. Chạy nguyên một vòng quanh chân núi Kennesaw, vượt qua các khúc quanh, uốn lượn xuyên những rừng thông xanh ngát, đẹp tuyệt vời!
Thật là một trãi nghiệm cỡi xe 2 bánh trên đất Mỹ quá thú vị, lần đầu tiên và chắc chỉ 1 lần mà thôi!
Hồi năm 2013 khi vừa rời cáp treo qua Vinpearl, Nha Trang, trò đầu tiên mà tui gặp là tàu lượn cao tốc. Tôi đã từng chơi món này vào 2008 ở Suối Tiên, phải công nhận cái cảm giác rất ư đáng nhớ sau vài cú ngoặc "té đái trong quần" giữa trời cao chóng mặt, may mà nó kịp dừng sau ít phút giỡn mặt...cuộc đời! Cho nên, sau 5 năm, gặp lại tại Vinpearl, tôi cũng muốn thử xem món này khác gì so với Suối Tiên, vẫn câu hỏi quen thuộc của nhân viên điều khiển trò chơi: chú có vấn đề về tim mạch hông? He he thì cứ trả lời bằng câu quen thuộc: chưa có gì cháu ơi...Vậy xin mời chú. Tui quay lại hỏi
mấy cụ trong đoàn, ai muốn chơi món này thì theo tui, một anh lớn hơn tui vài tuổi, vốn là võ sư Vovinam nói chơi thì chơi, bịnh gì cử, bà vợ sợ ông xã đi một mình, lỡ có bề gì không ai...săn sóc nên cũng lẽo đẽo leo lên ngồi ngay toa kế tiếp. Sau khi nai nịt an toàn, đoàn tàu chuyển động bắt đầu cuộc hành trình tìm cảm giác. Mèn đét ơi, cái món này ở Vinpearl nhìn thấy không cao như Suối Tiên, mà cũng không cheo leo lưng lững giữa trời, vậy mà những cú ngoặc của nó gắt đến độ thấy mình muốn văng xuống đất, muốn rớt ra ngoài. Hết ngoặc này lại tiếp ngoặc kia, hồi Suối Tiên tui chưa kịp...la làng thì đã về đến ga xuất phát, chưa kịp tè thì đã bước xuống...hiên ngang trước ánh mắt thán phục của mọi người, còn ở đây, hết ngoặc kia lại đến ngoặc nọ, khiến cho tui muốn la làng mà đành nín thinh vì mắc cở, chưa bao giờ tui lại có cái sự trông mong cho sớm kết thúc cái trò chơi thí mạng cùi đang đảo lên, lộn xuống, dù nó cũng chỉ kéo dài có ít phút phù du.
Tui bước xuống đất trước, liếc nhẹ xuống xem quần mình có bị chút ướt nào chăng? May quá, nó khô queo, chắc nhờ mấy cục sạn kịp thời bít lối!
Tui ngoái lại nhìn ông bạn võ sư, hỏi nhỏ : đái trong quần chưa, ổng hổn hểnh trả lời ...ch..ư...a, mà có điều bây giờ...đi hổng nỗi! Còn bà vợ thì mặt mày trắng bệch, bước đi loạng choạng, ráng trách một câu: bác sĩ nói ổng hẹp van tim, tránh bị xúc động mạnh, còn tui có biết ất giáp gì, bỏ ổng đi một mình thì hổng yên tâm...Thiệt...yếu mà ra gió!
He he, dẫu có hoảng hồn, tui cũng vui lây cái "tình già" đáng yêu của 2 người bạn.
Nhắc đến vụ này để nói rằng việc ngồi sau chiếc Suzuki chạy trên xa lộ Mỹ chỉ là chuyện nhỏ như con thỏ!
Hôm nay là 02-5-2017, đúng 20 ngày chúng tôi tạm cư đất Atlanta, bang Georgia, Hoa Kỳ.
Tôi đã giới thiệu với các bạn nhiều thứ chợ, dĩ nhiên vẫn còn thiếu, nhưng hãy từ từ, tôi sẽ tiếp tục kể sau.
Ngoại trừ Lào, các nước Đông Nam Á mà tôi đã đi qua, Cambodia, Thái, Miến, đều có một mặt hàng phổ biến, đó là hoa, hoa tươi và hoa kiễng. Tôi không nhắc Việt Nam ta, bởi vì đó là loại hàng hoá đặc biệt luôn có từ chợ tỉnh, thành phố đến làng xã xa xôi. Thậm chí đến xứ hoa Đà Lạt, khí hậu mát lạnh, thích hợp cho nhiều loài hoa đẹp khoe sắc, nên hầu như ta gặp hoa ở khắp nơi, vậy mà cũng có những gian hàng hoa tại các chợ lớn, nhỏ trong thành phố.
Ở Atlanta bây giờ là mùa Xuân, khí trời dịu mát, nhiệt độ trung bình trên dưới 20 độ C, tương tự Đà Lạt vào thu, nên rất nhiều loài hoa rực nở sau những ngày Đông lạnh giá.
Ta thường gọi Đà lạt bằng một tên khá lãng mạn là "Thành phố ngàn thông", thì Atlanta cũng thật quyến rũ bởi thông ngàn xanh ngát, nhất là tại "vùng đô thị" bên ngoài Atlanta Downtown. Đây là khu vực rộng lớn có số dân khoảng 5 triệu người, sống trong những khu dân cư tuyệt đẹp với các thảm cỏ tươi mươn mướt thấp thoáng dưới rặng thông già xanh mát màu xuân!
Ngày 12 tháng Tư, chúng tôi tới phi trường Hartsfield-Jackson vào khoảng 10 giờ đêm, nên cùng ngủ với Atlanta sau hơn 20 giờ gần như thức trắng. Nên ánh nắng đầu ngày lung lay kẻ lá của rừng cây bên ngoài khung cửa sổ, cũng là ánh nắng đầu tiên trực tiếp sưởi ấm chúng tôi trong phớt lạnh ngày mới Atlanta.
Thật là ngạc nhiên sau một đêm dài ngon giấc, không phải bởi những tia "nắng lạnh" sưởi ấm thịt da, mà là những đóa hoa tươi đang khoe sắc quanh nhà, e ấp một chút mượt mà bên thềm sân xanh cỏ, hay rực rỡ tươi vui khắp xóm nhà ai.
Rất nhiều loài hoa mà tôi chưa từng thấy, đẹp lạ lùng, kể cả hoa dại mọc lẽ loi bên vệ cỏ đường đi.
Dĩ nhiên, hoa không phải tự nhiên mà có, nguồn cung cấp trực tiếp đến người dùng chính từ các siêu thị trong khu vực. Tôi đã gặp các quầy bán hoa tươi để chưng hay làm quà tặng, cũng như những chậu hoa lớn nhỏ để khách mua về trồng trang trí sân vườn. Các nơi này bán cũng giống như tại các siêu thị Metro, Co-op Mart...bên Việt Nam.
Một hôm, em tôi mang trả lại 2 chậu cây đã mua tại siêu thị Lowe's, do không thích hợp với sân nhà. Ở xứ này hàng hoá mua về không vừa ý, cứ mang trả lấy tiền lại, hoặc mua món gì khác thay thế. Không hề có sự phàn nàn, mắng mỏ khách mua.
Đây là siêu thị bán máy móc, công cụ công nghiệp, nông nghiệp...rất lớn. Nhìn thấy giàn máy cắt cỏ John Deere bày ngang trước cửa cũng đủ ấn tượng về một "bên trong" dồi dào hàng hoá bán buôn. Với tôi, dẫu có ngạc nhiên, nhưng cũng không nhiều bởi biết đây là nước Mỹ, nước dẫn đầu thế giới về công nghiệp và kinh doanh; nhưng khi bước qua chỗ bán hoa kiểng, thì sự ngạc nhiên mới thực sự thú vị, bởi vì cái qui mô của nó và bởi vì số lượng các chủng loại! Tại đây, ngoài nhiều loài cây lạ đặc hữu vùng ôn đới, tôi còn thấy rất nhiều giống quen thuộc đã có ở quê nhà! Đó thật sự là ngạc nhiên thú vị, bởi những cẩm tú cầu, hồng, cúc, vạn thọ, bụp, dừa cạn, mào gà, ...cả những cây "hoàng hôn màu tím" bây giờ mọc như cỏ dại làm hàng rào tại nhiều nơi trong thành phố Long Xuyên, cũng góp mặt nơi đây.
Thêm một điều không ngạc nhiên, mà thú vị, giá đắc như ... Mỹ! Ví dụ cẩm tú cầu chỉ có $24.98, còn chậu "hoàng hôn màu tím" giá $14.98.
Thêm nữa, hầu hết đều không qua khỏi ...mùa Đông!
Đây là nhà chim, để cho mấy con homeless mà làm biếng vào cư ngụ!
|