Thật bình thường khi gặp vài hoặc nhiều bạn đồng môn, vài bạn học cùng lớp. Nhưng hiếm khi có ba người trưởng lớp, mặc dù cùng đang ở Cần Thơ, ba khóa liên tiếp nhau, cùng ban Thủy Lâm như họ, ngồi chung nhau với hơn 10 người khác trong lớp họ trong một buổi tiệc nhỏ tại nhà Khuê Bầu trưa ngày 3 tháng 3 năm 2013.
Đúng vào sáng ngày 3 tháng năm, 1979, tại xã Mỹ Tú, Sóc Trăng, tôi bất ngờ gặp Huỳnh Hoàng Ánh, trưởng lớp TL-72. Bất ngờ vì khi ấy tôi đang đi thực tập trong lúc Ánh đang lái máy kéo. Đội nón kiểu Mexico rộng vành, mỉm cười nhẹ với tôi, hắn chăm chú vào miếng đất hắn đang cày. Thầm nghĩ đến những điều ngang trái, những chi tiết cần thiết, tôi cũng chăm chú vào công việc ghi chép của tôi. Làm công nhân lái máy kéo cho trạm máy kéo Sóc Trăng đến 1990, Ánh nghỉ việc. Trở về làm việc cho C.Ty Meko Xuất Khẩu Mỹ Nghệ Cần Thơ thêm 5 năm nữa, Ánh lại nghỉ việc thêm một lần nữa. Bà xã của Ánh, Bạch Điệp, đã làm việc ngót 20 năm cho C.ty Vật Tư Nông Nghiệp. Hai vợ chồng họ có con và quyết định bán quần áo trẻ em tại một quầy trong trung tâm thương mại Cái Khế. Bán căn nhà trên đường Trần Việt Châu, họ về ở chung với gia đình của Ánh. Sau đó vài năm, họ tá túc trong khu tập thể của ngành máy kéo trên đường Nguyễn Trải. Huỳnh Hoàng Ánh đã gửi thằng trưởng nam cho Khuê Bầu dạy nghề kỹ thuật số. Được bố cho một lô đất, Ánh cất nhà ra riêng. Bị huyết áp cao một thời gian, năm 2005, Ánh quyết định bỏ rượu. Và để làm vui lòng ông già năm 2009, Ánh bỏ luôn việc ăn món mặn. Trong đám cưới con của Khuê Bầu tôi giật mình khi biết hai vợ chồng Ánh ngồi chung bàn với các vị ăn chay khác. Trầm ngâm ít nói, hắn khiến tôi thầm nghĩ rằng có lẻ trong tâm trí hắn đang chứa một nỗi bất an, bất bình hoặc một điều gì đó rất khó nói.
Trọng Thỏ, trưởng lớp tôi, đã gặp một trục trặc nên không được tiếp tục đại học sau 30 tháng 4 năm 75. Hắn bắt đầu hành trình lập nghiệp tại Xí Nghiệp Khai Thác Lâm Sản tại Năm Căng Cà Mau. Tại đó hắn nhanh chóng trở thành tay bợm rượu, tay tiếu lâm và mỗi khi về Cần Thơ, hắn như muốn làm nổ tung cái bửa họp mặt với vài thằng chúng tôi. Sau năm tháng dải dầu, rút ra được nhiều bài học trong trường đời, hắn chuyển về làm kế toán cho một Xí nghiệp Cơ Khí tại Cần Thơ. Lập gia đình với một trưởng nữ của một cán bộ có tiếng ở tỉnh Hậu Giang. Bà xã của vị trưởng lớp tôi từng học ngành giáo dục thiếu nhi ở Liên Xô về. Thu Hà lên đến một vị trí rất cao trong Sở Giáo Dục Cần Thơ, phó giám đốc. Có lẻ giống mẹ, hai con trai của Trọng Thỏ học quá giỏi. Chúng lần lượt được tuyển thẳng qua Singapore học. Thằng con lớn xin qua học tại MIT, ngành Hóa Dầu bên Mỹ. Vừa tốt nghiệp xong, Vương Quốc Anh cho hắn học bổng Tiến Sĩ. Hiện giờ trưởng nam của Trọng Thỏ chuẩn bị lấy học hàm Giáo Sư. Thằng em nó sau khi tốt nghiệp tại Singapore, đã được học bổng của một đại học bên Đức ngành Tài chánh-Ngân hàng. Có vợ tốt và hai con giỏi dang nhưng trưởng lớp tôi gặp xui rủi. Bị một vị bác sĩ chuẩn đoán sai lạc rằng hắn có thể bị lòa mắt, Trọng Thỏ khủng hoảng và rồi bị mất ngủ trầm trọng. Dù cũng thỉnh thoảng theo chúng tôi lên Dalat, Bảo Lộc dự vài tiệc cưới con của tụi bạn, hắn nín thinh. Dù cũng cạn ly, gắp mồi, cũng la cà quán rượu với vài thằng bạn thân, hắn không nói mà trầm tư như kẻ mất hồn.
Dù đang bị cơn khủng hoảng tài chính, bất đóng sản đóng băng, Hiển Cận vẫn cười đùa vang vang, vẫn thản nhiên kể chuyện tiếu lâm. Hắn nhận định về người vừa trưởng lớp khóa đàn anh vừa cùng phòng như thế này,
“Có ai căng như tui đâu? Tui vẫn cười tươi vui sống. Khỏe như Trọng Thỏ vậy mà
cái mặt trông quá ảm đạm, không thèm cười đến nữa miệng.”
Có ai đó tiếp lời,
“Hồi trước đây hắn đã nói quá nhiều. Nay hắn bị trời phạt chăng?”
Khuê Bầu, trưởng lớp Thủy Lâm 73, cũng có một chuyện rất rất dài để kể ra. Trong khi làm cho Đài Truyền Hình C.T, Khuê Bầu là người đầu tiên của các đài truyền hình địa phương làm phim hoạt hình. Hắn cũng là người đầu tiên ở một đài nhỏ làm phó đạo diển cho Trần Vịnh, một đạo diển lớn. Từng làm một cơ sở sản xuất guốc mộc, lập một đội trang trí nội thất, tranh ghép gỗ, làm một studio chân dung nghệ thuật, tiệm cho thuê đồ cưới, hắn quyết định mở một công ty lớn- Phù Sa Digital tại số 6 Đại Lộ Hòa Bình. Sau vài năm, vài dịch chuyển, thu nhỏ lại, nay hắn làm digital tại nhà sản xuất chương trình “Cần Thơ Phố” cho đài truyền hình. Sau khi đã thử thời thử vận nhiều lần, hắn đang hoặc định mở trang web riêng, lập tour riêng. Hai đứa con đã giúp hắn thành người khá tiếng tăm trong nhóm chúng tôi. Trưởng nam đi du học Pháp, có việc làm và có vợ đang du học bên đó. Con gái học ngành du lịch bên Thái Lan và về làm việc cho một khách sạn 5 sao tại Hà Nội, có triển vọng khá tốt. Bà xã của Khuê Bầu đảm đương chuyện tài chính trong gia đình. Vốn là một trưởng phòng của Eximbank Cần Thơ, người bạn đời của Khuê Bầu đã quyết định trong việc xây căn nhà 5 phòng khá bề thế có thể chứa nhiều bạn học trên cao nguyên xuống chơi dài ngày một cách thoải mái.
Cả ba vị trưởng lớp trông thấy già nua mệt mỏi. Tôi nhìn những vị khách từ cao nguyên, Chung Gạo, Tâm Đắc, Cậu Doãn, Bình Bon nhất là Huỳnh Thanh Phong. Ai còn có sức khỏe khá, còn ngồi cụng ly vui vẻ với nhau, người đó phải khiến cho ai khác thèm thuồng. Hoan hỉ vì đang tiếp nhóm thâm hữu từ Đà Lạt, Bảo Lộc xuống, Khuê Bầu lanh hoạt trong khi Ánh và Trọng Thỏ không nghe thấy nói gì dẩu cho họ có khá nhiều điều muốn nói. Khuê Bầu quan niệm rằng,
“Gặp khi chè chén, cứ chè chén. Gặp lúc xướng ca, cứ xướng ca.”
Bình Bon thì luôn to mồm,
“Cứ vui chơi. Sống qua ngày chờ qua đời.”
Nhiều người phụ nữ yêu cầu hắn hát tếu trong khi tôi rất thích nghe kể chuyện về người dân tộc, chuyện hắn đã trải nghiệm. Cậu Doản thì luôn luôn ôm đàn, hát vang vang những bài hắn thích. Chung Gạo thì bận trò chuyện với Phúc Lùn về các chiếc mô tô phân khối lớn. Tôi dường chưa có cái hứng thú hát những ca khúc Lê Uyên Phương trong cái nóng bức, ồn ào và vì tôi đang bận suy nghĩ. Ai nấy đều có riêng những điều tư, những chuyện khó nói. Nhiều nhóm đồng môn khác, ở trong hay ngoài nước, chắc phải đồng ý với chúng tôi rằng,
“Còn gặp được nhau, ta nên gặp. Còn uống được với nhau, ta cứ uống. Còn lo nghĩ về nhau, ta cứ nghĩ.”
Tôi có thêm một chút riêng tư,
“Còn có thể viết ra về nhau, tại sao ta lại không nhỉ?”
Những ai đã từng học Nông Lâm Súc Bảo Lộc đang góp phần vào một bức tranh rất to có nhiều chất liệu, màu sắc và đường nét rất lạ (mosaic) mà không ai khác có thể tạo ra được.
Tôi bận tâm cho những người đồng môn như thế và còn biết bao nhiêu chuyện, bao nhiêu kẻ bị khuất tất, bị trái quấy khác nữa chưa được biết đến.
Trên trường đời, có biết bao nhiêu bài học khó, kỳ thi không thể vượt qua. Có người tin vào số mệnh, có kẻ mặc kệ, nhưng có kẻ bất chấp những gì diển ra. Tại cuộc họp “Gia đình Nông Lâm Súc Úc Châu” năm 1993 trong lúc tôi đang du lịch bên đấy, tôi học được cái phương châm này,
“Chúng ta gặp nhau thường niên vì thích kể về kỷ niệm, trường lớp, bạn học cũ. Đừng để những điều nào khác xen vào. Đừng nói lên quan điểm chính kiến về bất cứ chuyện gì khác.”
Thế thôi! Cậu Doãn nhắc tôi,“Thêm một nốt nhạc đi Thành Xì.”
Rạch Giá Apr 20, 2013
Lương NgọcThành