14/6/2015
Lý Ngọc Huệ - Diệp Lục Tố
Nhiều lần tôi tự hỏi: không phải mình không viết được nhưng tại sao mình lại không viết được?. Thời đi học môn Văn tôi luôn đứng hạng nhất, cũng viết Bích báo (báo tường), cũng làm thơ, cũng ở trong Thi văn đoàn, cũng có mấy truyện ngắn được đăngbáo. Bẳng đi thời gian rất dài, bút nghiên gát lại nhưng thỉnh thoảng cũng làm thơ cho mình tự đọc. Rồi đến ngày đẹp trời tôi gửi đến báo một bài thơ, bài thơ “Tình yêu của anh” của tôi được đăng. Tinh thần tôi phấn chấn hẳn lên, tôi như được tiếp lửa và tôi viết, nhưng khi cầm viết tôi lại không viết được, dù rằng tôi cũng có ý để viết. Tôi cũng cố công đọc báo thấy một số chuyên mục trên báo tôi cũng có thể viết được, tôi bắt đầu viết … nhưng chữ NHƯNG lại đến, khi viết tôi bị tắt tị, thế là tôi bỏ bút.
Loay hoay với chính mình và trang giấy, tôi định viết bài để gửi báo nhưng cuối cùng là những bài thơ được thành hình, tôi viết trên trang web của trường tôi, nhưng đó lại không thuộc thể loại báo chí (sau nầy tôi mới biết). Không nản lòng, tuy nhiên cũng chưa có lối ra. Sự thắc mắc ngày càng lớn: tại sao tôi viết các thể loại báo chí không được? Dù rằng môn Văn chương Việt Nam, Phương pháp viết khóa luận tôi cũng vừa được học lại.Ngày nọ, tôi bày tỏ với anh bạn học cũ hiện làm ở đài truyền thanh truyền hình tỉnh T, anh gửi tôi vào học lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Văn Hóa xã, ấp về cách viết tin. Trong một ngày học những bốn môn, học xong tôi cũng chẳng viết được gì ngoài phần lý thuyết tôi biết được cấu trúc của tin theo kiểu hình Kim tự tháp ngược, khác với cấu trúc của bài luận. Tôi thở dài tự nghĩ không lẽ mình không có duyên với báo chí.
Tìm tòi mãi cũng được duyên may, tôi học mấy khóa liền các lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí do Hội Nhà Báo thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Tôi mới vỡ lẽ: VIẾT, loại hình nào cũng phải viết mới nên một tác phẩm, nhưng tác phẩm văn chương, thơ ca khác xa với các thể loại báo chí.
Các cụ ngày xưa nói không sai “Không thầy đố mày làm nên”. Tôi được học những người thầy tâm huyết truyền nghề: Chụp, cắt cúp ảnh; nguồn tin, viết tin, bài, biên tập; Luật báo chí, vai trò của báo chí … tôi như lạc vào cõi mơ, mà không như mơ sao được vì có nhiều điều như lạ mà như quen xảy ra chung quanh ta, lúc chưa học viết báo thì mọi ngày như mọi ngày còn được học thì mình nhìn đời cách khác hơn một chút, từ đó mới “bắt” được “sự” để viết đồng thời cộng với kinh nghiệm sống là vốn riêng quí báu của từng người, nghề báo là một nghề cần phải hỏi mới có được thông tin, chứ không thể mang hiểu biết cá nhân của mình viết mà đăng báo … Rồi tôi cũng được đi thực tập, trước khi đi nhận được lời khuyến khích rằng: Thấy gì viết nấy, rồi bài sẽ được sửa. Lòng mừng rơn, tôi được đi vào các hội thảo, cuộc họp.
Nhớ lại lần đầu tiên tôi đi “tác nghiệp” mà là một hội thi hoành tráng mới sợ chứ, lúc tôi đến hội trường thì thấy người đến dự đã đông và người hướng dẫn tôi đến trước đón tôi tại cửa, thấy tôi còn do dự tìm hàng ghế phía dưới để ngồi, ông tiến gần tôi nói như quát (lúc này tiếng loa phóng thanh át tiếng người) “Lên phía trên kia mà ngồi cho dễ đi đứng”, thế là vèo tôi như chạy trong vô thức ngồi lọt hẳn vào chiếc ghế dãy đầu tiên, chỉ cần bước tới vài bước là đụng ngay sân khấu. Cuộc thi diễn ra, thực tình mà nói tôi cũng chưa dám rời chổ ngồi để đi chụp hình cho đến khi thấy người hướng dẫn tôi đường hoàng trực diện với ban giám khảo để chụp hình, như bắt được phao tôi đi nhè nhẹ đến đứng kế bên ông và tôi cũng bấm máy và bấm máy, hội thi đó tôi chụp hơn 200 kiểu ảnh, chọn lại được 20 tấm, thấy mình chụp hình quá tệ nếu mà chụp máy film dễ dàng sạt nghiệp.
Xong, tôi viết một tin và một bài. Tin thì chắc đã đi về miền xa xôi nào ấy, còn bài thì lưu dấu lại được có nghĩa là bài viết được đăng báo, tôi mừng không bút mực nào tả xiết, thế là bao nhiêu năm ấp ủ giấc mơ, cuộc ra quân đầu tay tôi có một bài được đăng. Rút kinh nghiệm nhiều lần tôi chụp ảnh có khá hơn, nhưng khi viết bài đối với tôi còn chật vật lắm, con chữ vẫn còn chơi trò cút bắt với tôi, tôi phải đi tìm kiếm, kiên nhẫn nay thành thói quen như con gà cứ bươi mãi cả đời, quả là sự lao động liên tục, và viết báo khác viết văn. Nghề báo không phải là một nghề lãng mạn, hư cấu được như viết văn mà phải thực, nhưng không phải sự thực nào cũng đưa lên mặt báo. Và, tôi nghĩ, chắc là duyên nghiệp từ đây.
Lý Ngọc Huệ - Diệp Lục Tố