Ký sự- Phóng sự:
Phượt Lão Mong Phước Minh
Ngày 16-8-2018.
Hôm nay bx bay ra HN, mà tình hình thời tiết thật sự đáng " quan ngại". Tôi tiếp tục bước đi qua 36 phố phường. Hàng nón, Hàng lược, Hàng bông...Hàng cót, Hàng đường, Hàng hòm! He he, thấy cái biển bẹo tên Hàng này giữa chợ Đồng Xuân ồn ào bổng dưng nghe lạnh cẳng! Cuộc đời ngắn gọn chỉ trăm năm, chưa đi tới đâu mà thấy cái Hàng này cũng hơi bị oãi! May mà bây giờ tên vậy mà hổng phải vậy. Chẳng có cái hòm nào, chỉ thấy Tây Đầm rần rần qua lại. Nhác thấy góc phố có cà phê bụi nên tấp vào kêu 1 phê sữa nóng, vừa nhâm nhi vừa ngó nghiêng thiên hạ rồi chợt nhớ về một quá khứ xa xưa. Khi các tao nhân mặc khách Kinh thành ngợi ca Hà nội 36 phố, thi vị và văn hóa có truyền thống ngàn năm. Tôi đọc lại vài trích đoạn trong Hà Nội 36 phố phường của Thạch Lam, nói về món ăn và sự đổi thay của Hà nội :
"Cũng là thứ bún chả chẳng hạn, cũng rau ấy, bún ấy, thế mà sao bún chả Hà Nội ngon và đậm thế, ngon từ cái mùi thơm, từ cái nước chấm ngon đi”.
Hay ai cũng biết đến món cốm của Hà Nội, nhưng nghe ông tả có lẽ sẽ cảm nhận được cái đặc biệt của cốm hơn.
"Cốm là thức quà đặc biệt riêng của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ Việt Nam.
Cốm không phải là thức quà của người vội; ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ. Lúc bấy giờ ta mới thấy thu lại cả trong hương vị ấy, cái mùi thơm phức của lúa mới, của hoa cỏ dại ven bờ: trong màu xanh của cốm, cái tươi mát của lá non, và trong chất ngọt của cốm, cái dịu dàng thanh đạm của loài thảo mộc.
"Hà Nội đã thay đổi nhiều lắm. Những phố cũ, hẹp và khuất khúc, với những nhà thò ra thụt vào, những mái tường đi xuống từng bậc như cầu thang, những cửa sổ gác nhỏ bé và kín đáo, đã nhường chỗ cho phố gạch thẳng và rộng rãi, với từng dãy nhà giống nhau đứng xếp hàng. Thẳng và đứng hàng, đó là biểu hiệu của văn minh (… )
Chỉ còn một vài cái ngõ con, ngõ Phất Lộc, ngõ Trung Yên… mấy ngọn cỏ trên mảnh tường cổng Ô Quan Chưởng, là gợi dấu vết của Hà Nội cũ.(… )".
Đó là thời của những năm 50, khi tập tùy bút này được viết, đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, biết bao nhiêu là thay đổi. Cho nên, bây giờ giữa lòng 36 phố phường Hà nội đang nhộn nhịp người xe, đang muôn màu muôn sắc của áo hoa, đèn led...phố phường xưa nào biết tìm đâu? Có chăng chỉ các tên đường nằm trên các phố là không thay đổi, còn nhà cũ, phố xưa thì may lắm mới bắt gặp nơi một góc nhỏ nào, với ít nhiều những "vá víu, điểm tô" bằng chất liệu "văn minh". Nó giống như ít món đồ cũ nằm lẫn lộn trong một tủ đầy những vật phẩm mới hào nhoáng và sang trọng.
Xét cho cùng đó chỉ là sự biển đổi do tính chất vận động hằng hữu của cái cỏi dương gian trần thế này, không có gì phải tiếc nuối như ông Thạch Lam, mà nên len lén đi tìm ra nó, cái phố cổ của Hà nội xưa, nơi góc kẹt nào đó, là một mảng rêu xanh hay một bờ gạch vỡ, một mái đền hoặc một tường cũ bám rễ gốc đa xưa, để tự ta vui cùng cái khám phá thú vị của riêng mình!
(Bước từng bước thầm...)
(Còn tiếp) |