Gọi tên kiểu …..giáo khoa thư
Chuyện xảy ra vào những ngày hội đồng biên soạn sách giáo khoa đang soạn thảo bộ sách chỉnh lý hợp nhất cho các môn học chủ lực: toán, lý, hóa, sinh, văn học ….của các cấp học cơ sở lẫn phổ thông (từ lớp Sáu đến lớp Mười Hai), nghĩa là mấy em học sinh này đã không còn bé bỏng nữa, đã có cơ hội học hỏi (bắt buộc) một môn học rất thời thượng, nếu muốn hội nhập thế giới và vươn ra biển lớn: sinh ngữ.
Với mức độ làm việc quá căng thẳng, vì được lệnh phải hoàn tất chỉ tiêu “kịp tiến độ” trước thềm năm học mới, nên các vị đã rất mệt rồi ngủ gục cả đám lúc nào không hay. Trong giấc ngủ liêu xiêu bồng bềnh trên dòng sông đầy chữ là chữ, lẫn trong vô số loại chữ “bình thường thôi” kia là kha khá con chữ đặc biệt, trên mình dát vàng ròng 24 karat, chứng tỏ những con chữ này …. không phải dạng vừa đâu(1). Và quả thật, mớ bòng bong “chữ nổi” ( ở đây nên có sự giải thích cặn kẽ, kẻo mang tiếng lập lờ đánh lận con đen, “chữ nổi” nghĩa đơn giản là …chữ nổi, chứ không phải loại chữ Braille (Louis Braille, người Pháp) dành cho người mù. Nhưng nếu hiểu nhầm sang nghĩa đang chơi chữ thì cũng …được thôi, vì ….đâu có sai! ). Loáng cái, mớ chữ đặc biệt kia rùng rùng xoay vòng vòng kiểu …hành nghề ảo thuật, rồi thì mạnh chữ nào chữ nấy nháo nhào đi “tìm bạn bốn phương” để tổ hợp, bắt cặp nhau mục đích ráp thành “phương danh”(danh thơm) của mình cho đúng. Chẳng bao lâu, mớ chữ dát vàng ấy đã dần tượng hình thành những cái tên, mà khi xướng lên, ai nấy đều trầm trồ nghiêng mình thán phục: viện sĩ, giáo sư, văn hào, thi bá từ cổ đại đến cận kim….Ráp xong, người nọ nhìn người kia, hình như có sự cố kỹ thuật gì ở đây thì phải. Mấy cái tên, cái nào đọc lên nghe cũng trúc trắc khục khặc thế nào (dù các ngài đây toàn là người nổi danh như cồn từ bao đời nay), không khớp với bản gốc, mà nói theo ngữ điệu rất hoa mỹ thời hiện đại, là “phiên bản lỗi”. Chả thế mà phải mất khá nhiều thời gian để họ …nhận diện được mình và nhận diện ra bạn bè thân hữu mình một cách thật …muôn vàn trục trặc.
Sau hơn một tiếng “thời giờ là vàng bạc” cố gắng hết cỡ có thể, dù loay hoay như gà mắc tóc, họ cũng “ngờ ngợ” hình dung ra được đích thị mình, nhưng không chắc có đúng không nữa, vì “sao giống mà sao hổng giống”, cái này phải nhờ các bậc trí giả bổn địa giải thích rành rẽ cho ra lẽ danh chính ngôn thuận. Khi nghe xác định đúng đích danh mình, cả bọn họ bỗng đồng thanh tương ứng òa lên khóc như vừa mất “ sổ gạo”(2). Khóc chán chê mê mải rồi, họ mới ngớ người ra nhìn nhau, hiểu rằng khóc lóc thì đâu giải quyết được gì, chi bằng cứ nói thật, nói thẳng nỗi niềm, may ra còn tìm được đường…binh? Sau một hồi đùn đẩy trách nhiệm lãnh ấn tiên phong, một vị Viện sĩ Viện Hàn Lâm Khoa Học hy sinh tiến lên phía trước, chân đi xiêu vẹo, nghiêng ngả như “hũ hèm di động”, chắc vì thời gian gấp gáp quá nên ráp tên chưa được chính xác, đành mang một chân thấp chủn và một chân cao nhòng, nhảy cà nhót ra trước mặt ban hội đồng, khúm núm trình bày:
- Bẩm thưa với quý vị hội đồng thẩm duyệt của quí quốc đang chỉnh lý cái đang thẳng thớm bỗng trở nên …lục cục lòn hòn (ủa ông này mới nhập gia mà đã tùy tục nhanh ta, mình nhớ là ở cố quốc trời Âu đâu có màn khúm núm bẩm thưa cong lưng mọp gối vầy hè?), tôi xin đại diện cho toàn thể anh chị em có mặt nơi đây nêu lên một nguyện vọng chính đáng, một và chỉ một mà thôi, thề danh dự sẽ không dám làm phiền quí vị của quí quốc nhiều hơn một. Kính thưa, (hết bẩm thưa lại kính thưa, ông này khá “uốn dẻo” vậy à), trước tiên, tôi xin được tự giới thiệu về mình. Tôi vốn có cái tên rất hào hoa phong nhĩ là Charles - Augustin de Coulomb (nhà vật lý học người Pháp), đã từng sáng tác ra cái định luật Coulomb về từ trường dòng điện rất nổi tiếng trong môn vật lý mà tất cả các em học sinh trung học trên toàn thế giới đều bắt buộc phải học qua, nếu không muốn bị dê rô điểm môn vật lý và rớt cái ạch trong kỳ thi tốt nghiệp giai đoạn “trước ngưỡng cửa cuộc đời”, phải chuyển sang làm nghề lao động tay chân rất vất vả (gớm, ông này làm khoa học mà sao lại phát biểu rườm rà thế ta). Cái tên tôi khi du lịch sang quí quốc, nói một cách trắng trợn là du nhập vào Bộ Giáo Dục và Đào Tạo của quí quốc bỗng dưng được cải biên cải cách rồi biến dạng thành Cu Lông một cách ….muốn khóc (muốn gì, ông ấy đã khóc rầm trời, khóc ròng rã, khóc tầm tã từ cái thuở bị cải cách cải biên đến giờ rồi, nói muốn khóc là nói tránh né thôi, chắc tại ông ấy đã được vinh hạnh xem trọn bộ phim Bỗng dưng muốn khóc (3) từng trình chiếu trên tơ vơ (ti vi) đó mà, nên phải nói ra vần điệu cho nó….văn hóa nghệ thuật).
Hậu quả là, mỗi khi các trò gái học đến định luật của tôi, dù dịu dàng đến cỡ nào, dù không muốn cũng không được, đành trở thành… gà chọi (mặt đỏ kè), rồi thành luôn “ nữ kê tác quái, gà mái đá gà cồ” một cách bất đắc dĩ, dứ dứ nắm đấm về phía bọn con trai đang bưng mồm cười hô hố với nhau một cách đắc chí vì cái tên tục (tằn) của tôi. Mấy thằng cu con bê bi ở xứ sở quí quốc dù cũng được gọi cu tèo, cu tí, cu xí, cu nị, thậm chí …cu đơ (tên một loại kẹo đậu phộng, đặc sản của tỉnh Hà Tĩnh)…chi chi đó nhưng chỉ kéo dài trong giai đoạn ngắn ngủi đầu đời thôi, chứ khi chúng lớn lên, cái tên khai sinh đẹp đẽ đã kịp thời đến thế chỗ, còn như tôi đây, cha sinh mẹ đẻ chỉ có duy nhất một cái tên, bây giờ quí vị ở quí quốc nỡ lòng nào biến hóa, phù phép thành …. cu lông, nghe sao quá não nề sầu thảm lẫn…bi hài. Giả sử quí vị của quí quốc muốn ban cho tôi một cái ..nick để tôi chơi…facebook hòng bắt kịp thời đại, thì quí vị (sau đây xin được kiểm duyệt bớt phần đuôi “của quí quốc” cho câu văn đỡ …vụng về) cũng chọn giùm cho một cái tên đẹp đẹp xíu để tôi còn khoe với…bà xã, ai lại cứ cu lông bông này, cu lông ben nọ, bà xã sẽ chửi cho, mắng rằng chuyện phòng the mà sao ông nỡ mang khoe ầm ỹ với thiên hạ, họ cười cho thúi mũi, cho chết tên. Thật là ….đoạn trường tân thanh (4), đoạn trường ai có qua cầu mới hay (4), đoạn trường nam ai (5), và đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm (6)! Nghĩa là …đoạn trường ….echo (tiếng vang, vang, vang), không thể nói hết bằng lời, đành phải dẫn ….điển tích! A di đà Phật, thiện tai, thiện tai (oh my god) (chà, ngài này ở tuốt trời Âu mà cũng biết rên bằng tiếng Tàu nữa ta). Xin hết. (ngài vừa phát biểu đến đây thì ngã xuống đất một cái phịch, lăn quay bất tỉnh, cái đó được gọi nôm na là mệt xỉu).
Tiếp theo là những nhà khoa học danh giá khác tự giác đứng lên trong im lặng và trật tự, xếp thành hàng dài không chen lấn, tới tơn (turn) ai người đó nói, chủ yếu thổ lộ nỗi ấm ức mang nặng trong lòng bấy lâu nay:
Ngài Niels Henrik David Bohr (nhà vật lý Đan Mạch) thì không muốn đi đâu, làm gì cũng phải … bo (pourboire, tip, tiền boa) vì …không quen, lại vốn dĩ làm khoa học nên nghèo kiết xác, có bao nhiêu tiền là lăm lăm đổ vào nghiên cứu hết cái này đến cái nọ. Ngài rất ngưỡng mộ ông già An phờret Nô ben (Alfred Nobel, nhà hóa học Thụy Điển) (theo số thứ tự là ông già số một), (chú ý: xin đừng nhầm với ông già Xăng ta kờ lót Nô en (Santa Claus, Noel, ông già Giáng Sinh, quê hương Lapland, Phần Lan, số thứ tự là ông già số hai), tên hơi giông giống nhau và là hàng xóm của nhau, nhưng nghề nghiệp thì khác xa lắc, chẳng ăn nhậu gì với nhau), nên năm 1922, ngài Bo đã dụ được ông già số một, nể tình láng giềng thân thiết xứ Scandinavia mí nhau, trao cho cái giải thưởng vật lý danh giá đến bi giờ vẫn còn lưu danh thiên hạ (ông già số hai thì được con nít thích lắm nhen). Thật cũng xứng đáng thôi, ngài suốt đời chỉ biết chúi mũi vào phòng thí nghiệm, chẳng màng ăn chơi. Ngài từng phán: ăn còn chửa muốn, muốn chi …bo (7)!
Ngài James Prescott Joule (nhà vật lý Anh) thì khóc nức nở như chưa từng được khóc vì ngài rõ ràng là con người hẳn hòi mà sao tự nhiên từ trên trời rơi xuống hóa kiếp ngài thành…Giun (hay Jun cũng rứa, phát âm giống nhau). Rõ ràng ngài đã “sáng tác” ra định luật Joule- Lenz (tạm đọc: Giun- Len dơ) khiến bọn học sinh học thiếu điều muốn trẹo bản họng. Giun thì làm gì có não, nên sức mấy sáng tác được định luật, nói thế chẳng hóa ra ngài là người “đạo định luật của Joule-Lenz” à, sao được. Tên giun dế nào đấy đạo định luật của ngài ấy chứ.
Ngài Georg Simon Ohm (nhà vật lý Đức) thề bán sống bán chết trước vong linh tổ tiên rằng thì là mình chưa bao giờ đi …bia ôm, xe ôm cũng thế, chỉ toàn đi xe hơi vì xứ sở của ngài thường rất lạnh, ngu sao đi xe ôm có ngày chết cóng. Ngài thề cả đời chỉ biết …ôm vợ, cao lắm là ..ôm con, cao hơn một “lé vồ” (level) nữa là …ôm cháu, ngoài ra ….không hề ôm ai khác (coi chừng ngài đang bị hố đấy, thề thốt bậy bạ đi, chớ rành rành có người trông thấy ngài …ôm nguyên cái phòng thí nghiệm đó nhen, nếu không, sao chế tác ra được định luật Ohm khiến lũ hậu sinh chúng nó học muốn nổ đom đóm mắt. Ngài chắc chưa mục sở thị lũ học sinh của quí quốc đây đứa nào đứa nấy đều ôm hai cái đít chai (kính cận) dày cui như cái kính lúp gương cầu lồi hay sao chớ.
Ngài Heinrich Hermann Robert Koch (bác sĩ, nhà sinh học người Đức, người phát hiện ra trực khuẩn bệnh than, trực khuẩn bệnh lao, vi khuẩn bệnh tả, người đặt nền móng cho môn vi khuẩn học) thì vừa ôm ngực ho sù sụ vừa than về cái tình yêu thời thổ tả (tên một tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Colombia Gabriel Garcia Marquez), giọng rặt miền nam thiệt thà hiền khô: tui là bác sĩ, nếu nói tui đi bán ….dụng cụ y khoa hay trang thiết bị y tế như ống nghiệm, syringe, kim tiêm, bông, băng … thì còn có lý, chứ nói tui đi bán…trái cây (cóc ổi), hay bán cốc bán ly gì đó thì tui nhứt định hỏng chịu à nhen, mí lại tui đâu có uống nước bằng cốc, tui uống bằng …tô hông hà, uống tô mới đã, uống cốc được bi nhiu, làm siu đỡ khát…
Các ngài văn hào, thi bá còn khổ hơn gấp bội phần kia kìa, hỡi mấy ngài hóa học gia, vật lý gia, sinh học gia, bác sĩ gia (à không, bác sĩ không được khuyến mãi kèm theo từ “gia”, vì “sĩ” đã có nghĩa là “gia” rồi, trừ bác sĩ gia đình phải có thêm chữ gia, chứ nếu không có chữ gia trong bác sĩ gia đình thì sẽ thành da (ra, giọng miền nam nhen) tối nghĩa. (Ủa, hôm nay có người ăn nhằm cái giống gì mà bị chạm mạch hơi bị nặng, nói năng dây cà ra dây muống lòng thòng vậy trời). Đang nói gì ta? À, nói tiếp nè, hỡi mấy gia trên kia ơi, đừng vội than trời trách đất, hãy lắng nghe các đấng văn hào, thi bá kể lể về nỗi lòng của họ.
Ngài William Shakespeare (nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch vĩ đại nhất nước Anh) thì van xin lạy lục người đời đừng bóp méo sự thật một cách tàn nhẫn vô nhân đạo như thế. Ngài tuy viết chuyện tình yêu thật đấy, nhưng đó là chuyện tình yêu trong sáng thời cổ đại, chớ có dã tâm pha mảng miếng sex siếc gì (Uy li am Sếch xpia) hòng mục đích …câu view hay câu like. Ngài thì chẳng “cần câu cá” chi ráo, mà tác phẩm của ngài cứ vững vàng đứng hàng top best seller, được share từ đời này sang đời kia, thế hệ này sang thế hệ nọ, ngồi mát ăn tác quyền mệt nghỉ, đố thằng hậu sinh nào qua mặt được, dù có nổi tiếng cỡ…. Sơn Tùng M-TP cũng phải ngả mũ chào thua, tôn ngài làm sư tổ. Này nhé, chỉ nội một cuốn Rô mế ô èn Giuliét ( Romeo & Juliet), ngài chấp hết trăm cuốn của trăm người (giống như mẹ Âu Cơ), chưa cần phải vận dụng nội công từ Ham li ẹt (Hamlet), Vua Lia (King Lear), Mạt (bê) bết (Macbeth), Ồ thén lồ (Othello)….và vô khối những tác phẩm vĩ đại để đời khác. Gia tài văn chương đồ sộ thế mà “cớ sao buồn này …Sờ bia” (Shakespeare, đạo bài hát “Cớ sao buồn này Kim” (nhạc sĩ Y Vũ) tí nha). Tại vì ngài đang sợ rằng, ngay cái tên tựa sách như Romeo & Juliet, Hamlet, Macbeth… mà còn bị biến thái thế, thì mấy cái địa danh, mấy cái tên nhân vật khác xuất hiện đầy dẫy trong truyện sẽ phải ….nhặt sạn sao cho xuể, lỡ có bị người đời ăn cắp bản quyền, ngài lấy gì để chứng minh đó chính là tác phẩm của mình để còm pờ lên (complain, khiếu nại). Chết chửa, ngài vừa phát biểu linh tinh gì thế, chả phải ngài vừa đạo nhái y chang cách đọc của mấy quí vị của quí quốc đó chăng?
Tội nghiệp nhất là mấy cụ văn hào Nga, tên dài ngoẵng, cỡ A lếc xan drơ Xec gêi ê vích Pút xì kin (Aleksandr Sergeyevich Pushkin, nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch Nga), hay Lép Nhi cô lai ê vích Tôn xì tôi (Lev Nikolayevich Tolstoy, triết gia, tiểu thuyết gia người Nga). Không khéo mấy đứa học trò bé bỏng kia sau một hồi vừa viết bằng tay phải vừa dò dẫm bằng tay trái, còn miệng thì lẩm nhẩm như “ếm xì bùa lăn tăn”, đếm xem có bao nhiêu ký tự, lỡ rụng mất một vài ký tự há chẳng phải biến mấy cụ thành phế nhân cả? (ơ mà phụ âm kép của mình đâu có mấy ký tự xt (Tôn xtôi Tolstoy), xk (Mông téc xkiơ, Montesquieu), đr (A lết xăng đrơ, Alexandre), guê (Hê ming guê, Hemingway), còn j (Jên Âyrơ, Jane Eyre, cuốn tiểu thuyết của Charlotte Bronte), z (Ban zắc, Balzac)…lại càng không, tây tàu loạn xị xà ngậu thế thì đến ông tổ di truyền học Gregor Johann Mendel (khoa học gia người Áo) cũng pó tay chấm cơm, biết chỉnh lý lại cái định luật di truyền ra sao đây?
Vẫn còn hàng lô hàng lốc các viện sĩ, giáo sư, bác học như Anh xtanh (Albert Einstein), Ạc xi méc (Archimedes), Ê đi xơn (Thomas Edison), Niu tơn (Issac Newton), Đề Cạc (Descartes), Oat (Watt), Vôn ta (Volta), Huy gô (Victor Hugo), Boi lờ Mariốt tờ (Boyle Mariotte), Lômônôxốp (Lomonosov), Hô me rơ (Homere), Mô li e (Molière) , (nhất là với mấy vị vô cùng khốn đốn vì cái tên….không đụng hàng như Ta (lê) lết (Thales), Sọt rác (Socrates) v.v…càng nôn nóng được phát biểu giải trình)…..đang chờ đến lượt, thì các quí vị trong hội đồng biên soạn sách giáo khoa đã sợ rúm ró cả người, mồ hôi mồ kê tuôn ướt đẫm cả áo, giật mình lũ lượt choàng dậy, cả thân mình vẫn còn run lẩy bẩy như vừa bị ngài Giun đụng phải vậy à. Đúng là ác mộng, mọi người thều thào với nhau. Rồi khi đã hoàn hồn, bỗng một vị thức giả (lại tìm cách chơi chữ nữa rồi) nào đấy khóc hu hu làm cho cả đám mủi lòng khóc theo. Chắc vị thức giả đầu đàn nghĩ mà thương cho lũ học trò bé bỏng, đang trân mình chịu trận “thiên la địa võng” đang giăng túa bủa vây bẫy chúng trong bát quái trận đồ chữ nghĩa? Thời này là thời nào rồi mà còn viết kiểu vậy, trong khi chỉ cần bước ra khỏi cánh cửa trường lớp là lũ chúng nó đã bắt gặp nhan nhản những danh từ chung, danh từ riêng viết dưới dạng nguyên mẫu trên khắp mọi phương tiện nghe nhìn: sách báo, phim ảnh, bảng hiệu, bảng chỉ dẫn….? Hơn nữa, bây giờ tiếng nước ngoài đã quá quen với lũ chúng nó rồi, có nhiều đứa chưa thông tiếng Việt đã thạo tiếng Anh, cần chi phải dụng công chơi trò Đố chữ Puzzle cho phức tạp, khó xử (cũng là nghĩa của từ puzzle trong tiếng Anh) ? Hay là họ đang tội nghiệp cho các vị danh nhân khoa học, danh nhân văn hóa nước ngoài đã “bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn”(8)? Hay họ đồng thời cám cảnh thương cho thân phận của mình. Vì thật ra, họ có quyền hạn gì đâu, chẳng qua phải làm theo chỉ thị từ cấp trên giao xuống đấy thôi. Ô hô!
8/9/2017
NGUYỄN THỊ HUYỀN NGÂN
(1)/ Một bài hát của Sơn Tùng M-TP.
(2)/ Thời bao cấp, mỗi nhà được cấp một sổ gạo, tiêu chuẩn lương thực của những người trong một hộ gia đình. Lỡ mất thì cả nhà đói, vì việc khai lại khi ấy rất khó khăn.
(3)/ Một bộ phim của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng.
(4)/ Truyện Kiều của Nguyễn Du.
(5)/ Một phim truyện được chiếu trên đài truyền hình Vĩnh Long năm 2016.
(6)/ Bài Vịnh Thúy Kiều của Nguyễn Công Trứ.
(7)/Nhại bài họa “ Chiếu gon”(Nguyễn Trãi) của Nguyễn thị Lộ: …..Chồng còn chửa có, có chi con
(8)/ Lời bài vọng cổ “Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà”.
(Tất cả tư liệu về các danh nhân khoa học, danh nhân văn hóa trong bài đều lấy từ nguồn Wikipedia)
|