|
|
|
QUYỂN 5 |
|
|
|
|
|
|
|
Có một người thầy (BT Lợi) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
20/11/2017
CÓ MỘT NGƯỜI THẦY NHƯ THẾ
Bùi Thị Lợi
|
Mỗi lần nhìn thấy đặc san Nông Lâm Súc Bảo Lộc 2007 để trên kệ sách là lòng tôi áy náy. Tôi đã hứa kính biếu Thầy Châu Kim Lang cuốn đặc san này từ lâu mà vẫn chưa đem đến cho thầy. Hôm nay các bạn lại gởi về cuốn đặc san 2008. Đọc xong tôi chợt nhớ lời mình đã hứa. Tôi biết Thầy trân trọng những bài viết của học trò không những chỉ vì Thầy yêu thương quí mến chúng ta mà Thầy còn quan tâm đến sinh họat của Hội Cựu Học Sinh Nông Lâm Súc Bảo Lộc cả trong và ngoài nước.
Một buổi sáng chủ nhật đẹp trời, tôi gọi điện hỏi thăm sức khỏe của Thầy và xin phép cùng chị Ngô Anh Thuấn đến thăm Thầy. Gịong Thầy trả lời nghe rất vui. Thầy mong chúng tôi đến.
Nhà Thầy ở trong một con hẻm nhỏ đường Võ Thị Sáu, Quận 1. Nếu các bạn có dịp đến thăm Thầy, tôi dám chắc các bạn sẽ ngạc nhiên thích thú khi thấy giữa Sài Gòn của thế kỷ 21 nầy gia đình Thầy còn giữ lại được một nếp nhà nho giáo đậm nét Nam Bộ thật hiếm hoi và quí báu. Với mảnh sân nhỏ trồng vài chậu cây kiểng, thoạt nhìn nhà Thầy không khác những ngôi nhà cổ bình thường, nhưng khi bước qua ngưỡng cửa các bạn sẽ cảm nhận cách bài trí đơn sơ trong nhà toát lên vẻ uy nghi trầm mặc của một nhà giáo. Tôi tưởng tượng nếu có kẻ trộm lẻn vào nhà Thầy thì chúng sẽ vô cùng thất vọng vì những vật quí giá mà Thầy cẩn thận cất giữ chỉ toàn là sách.
Thầy tiếp chúng tôi ân cần niềm nở, Thầy cảm ơn các bạn đã tặng Thầy hai cuốn đặc san 2007 và 2008. Thầy hỏi thăm sinh họat của Thầy Cô và các bạn bên ấy. Thầy kể nếu theo biên chế thì Thầy đã nghỉ hưu từ lâu, nhưng hiện Trường Đại Học Sư Phạm Thủ Đức vẫn mời Thầy giảng dạy một số môn sư phạm cho trường.
Tôi xin phép hỏi Thầy kết quả công trình nghiên cứu đề tài Giáo Dục Nông Nghiệp Miền Nam mà cố Giáo Sư Đặng Quan Điện đã ủy thác cho Thầy thực hiện. Như được khơi đúng nỗi niềm day dứt bấy lâu nay, bằng giọng nói trầm buồn Thầy tâm sự: Thầy Đặng Quan Điện mất đi là một hụt hẵng quá lớn đối với Thầy. Từ lâu Thầy đã hòan tất phần Trung Học NLS, chỉ còn chờ kết quả phần Cao Đẳng và Trung Cấp do anh Lưu Trọng Hiếu phụ trách, nhưng mới đây anh Lưu Trọng Hiếu cũng đột ngột mất đi. Bây giờ Thầy đã hoàn thành tập Giáo Dục Trung Học NLS từ 1963 đến 1975. Nhưng Giáo Sư Dương Thiệu Tống, người thầy đở đầu cũng không còn để viết lời tựa cho Thầy. Thầy bùi ngùi xúc động khi nghĩ đến công trình của mình hòan tất mà không còn người để minh chứng.
Tôi được biết năm 1987 - 1988 nhà Xuất bản Giáo dục Sài Gòn đã cho in hai cuốn sách của Thầy: Dạy Kỹ Thuật Nông Nghiệp ở trường Phổ Thông Trung Học và Trắc Nghiệm Kiến Thức Kỹ Thuật Nông Nghiệp ở trường Phổ Thông Trung Học. Đó là hai tài liệu giáo dục ngành nông nghiệp rất thiết thực.
Khi nghe tôi có ý định xin Thầy vài thông tin để viết bài về Thầy, Thầy thoáng do dự vì không muốn kể về mình, nhưng rồi cũng từ tốn cho biết: Ba của Thầy là nhà giáo tốt nghiệp trường Sư Phạm ở Hà Nội rồi về dạy học ở quê nhà Cần Thơ. Trong tập hồi ký của Giáo Sư Tiến Sĩ Trần văn Khê có nhắc đến ông thầy dạy chử Hán cho mình, đó chính là thầy Châu Kim Đặng thân phụ của thầy Châu Kim Lang. Sau năm 75 theo lời mẹ kể Thầy đã cất công vào Thư Viện Quốc Gia Sài Gòn sao lục được hai cuốn sách của ba mình là "Lecons D'histoire D'annam" và tập thơ tiếng Pháp "Quelques Vers d'un etudiant", cả hai cuốn đều được nhà xuất bản Đức Lưu Phương phát hành năm 1932. Thầy đã và đang dịch một số bài thơ của ba mình sang tiếng Việt với lòng hoài niệm đầy tự hào.
Thầy Châu Kim Lang sinh năm 1939 tại Cần Thơ, mẹ của Thầy cũng là cô giáo. Thầy lớn lên ở Sài Gòn, học trường Tiểu Học Chí Hòa rồi Trung Học Petrus Ký. Tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn năm 1964, nhiệm sở đầu của thầy là Trường Trung Học Trần Cao Vân ở Tam Kỳ, Đà Nẳng. Lúc bấy giờ chiến sự miền Trung rất ác liệt. Sau hai năm Thầy xin chuyển về miền Nam. Thật tình cờ Bộ Giáo dục ra quyết định chuyển Thầy về Trường Trung Học NLS Bảo Lộc.
Đến đây xin mở dấu ngoặc để kể một kỷ niệm vui với Thầy Nghiêm Xuân Thịnh. Năm 1966 nhận được sự vụ lệnh có tên giáo sư Châu Kim Lang thuyên chuyển về trường, Thầy Thịnh cứ tưởng đó là một cô giáo nên cấp cho Thầy căn nhà số 8, kế bên nhà của cô Dương thị Tuấn Ngọc và cô Võ thị Thúy Lan, trong khi trước đó bao nhiêu thầy về trường ao ước mà không được. Đến khi Thầy Châu Kim Lang về trình diện mới vỡ lẽ ra thì dĩ lỡ rồi, vô tình Thầy được ưu ái cho ở tại một vị trí ngọan mục.
Nhưng nghĩ rằng mình tốt nghiệp sư phạm phổ thông mà về trường NLS thì không hợp nên đầu năm 1968 Thầy nêu nguyện vọng lên xin Thầy Đặng Quan Điện cho chuyển đi. Nhắc đến Thầy Đặng Quan Điện, giọng Thầy chùng lại như nghẹn ngào thương tiếc, một người đã se cái duyên nợ Nông Lâm Súc cho Thầy. Thầy Điện không trả Thầy về lại ngành phổ thông mà còn bổ nhiệm Thầy làm Giám Học ngành Nông Lâm Súc. Từ đó Thầy gắn bó với học trò NLS Bảo Lộc, đến cuối năm 1971 thì được chuyển về Nha Học Vụ làm Chủ sự Phòng Học Vụ Khảo Thí. Bấy giờ Thầy theo học lớp Cao Học Đại Học Sư Phạm Sài Gòn và phụ trách dạy các môn sư phạm cho Trường Cao Đẳng Sư Phạm NLS. Đến năm 1975, khối Cao Đẳng Sư Phạm NLS được nhập vào Trường Đại Học Sư Phạm Thủ Đức thì Thầy cũng chuyển về đó dạy học cho đến bây giờ.
Năm 1967 Thầy lập gia đình, một sự trùng hợp thú vị là Cô cũng có tên một loài hoa rừng và niên khóa 69-70 Cô cũng phụ trách môn Lý Hóa cho trường NLS Bảo Lộc. Thầy Cô cũng có một cậu con trai nối nghiệp ông cha theo nghề giáo. Thật là tam đại đồng đường.
Kể lại cho chúng tôi nghe những kỹ niệm vui trên trường, Thầy nói có lần anh Bùi Châu Dương là nhóm trưởng "nhất quỉ nhì ma" đi ngang nhà Thầy một quãng khá xa rồi mới phùng mang trợn má hét to: "Ông thần Oshawa" xong rồi ù té chạy. Đó là lần đầu tiên Thầy nghe học trò trêu mình với biệt danh. Chị Thuấn thắc mắc không biết ngày xưa Thầy ăn gạo lức muối mè để trị bệnh gì? Thầy nói Thầy ăn kiêng theo phương pháp Oshawa là để giữ gìn sức khỏe thôi. Đến khi lập gia đình thì Thầy trở lại chế độ ăn uống bình thường. Nhưng cho đến nay tuy dáng người cao gầy, sổ khám bệnh của Thầy chưa hề có chữ ký của bác sĩ.
Thầy nói đến tuổi thất thập cổ lai hy này Thầy nghiệm ra một điều là con người ta ở đời đều có duyên số và cái số Thầy là có duyên với trường NLS Bảo Lộc. Ngày xưa có ai biết Thầy đã nhiều lần che chở cho học trò thoát khỏi những trận bố ráp. Thầy rất nguyên tắc trong giãng dạy nhưng cũng độ lượng trong tình nghĩa thầy trò. Điều này có mấy anh ở nhờ nhà số 8 với Thầy xác nhận. Cho đến bây giờ, ngoài việc giảng dạy Thầy còn chú tâm nghiên cứu ghi chép lại các phương pháp giáo dục kỹ thuật nông nghiệp. Thầy như con ong cần mẫn gom góp mật ngọt cho đời. Xin bật mí với các bạn là Thầy đang có một công trình rất thú vị là làm các bài thơ bằng chữ Hán mà lời thơ gồm các tên của học trò Thầy ghép lại. Hy vọng một ngày thật gần chúng ta sẽ được Thầy tặng cho bài thơ có tên mình để giữ làm kỹ niệm và chúng ta có quyền tự hào và hảnh diện có một người thầy như thế.
Viết xong tháng 10 năm 2008
Bùi Thị Lợi
Thầy Châu Kim Lang với học trò cao tuổi |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP |
|
|
|
|
|
|
VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
huunghi68dvb@yahoo.com
Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com
Sáng lập : Dr TRẦN ĐĂNG HỒNG
Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)
Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III (2012) |
|
|
|
|
|
|
|
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/ |
|
|
|
Số lượt người đọc kể từ 5/3/2015: 1061842 visitors (3174678 hits) |