Hành trình về đất Phật (tt)
Mong Phước Minh
Với tôi, Miến Điện không còn quá xa lạ, trở lại đây, đôi khi giống như trở lại nhà, dẫu vậy vẫn có nhiều chuyện để tôi luôn thấy thú vị, nhất là để nhận ra những đổi thay có thể có, sau 1 hoặc 2 năm.
Từ Thị trấn Kyaikto, xe phải qua một đoạn ngắn tỉnh lộ trước khi vào cao tốc Yangon-Mandalay để về Kalaw. Đoạn đường này tôi đã qua 2 lần và đây là lần thứ 3. Nó nhỏ như tỉnh lộ ở bên ta, chạy xuyên qua các miền quê hẻo lánh. Điều thú vị là quang cảnh thì giống hệt như đâu đó ở miền Tây sông nước quê nhà!
Hồi năm 2013, khi lần đầu tiên đi ngang đây, tôi đã tưởng như mình về tới quê hương sau mấy mươi ngày rong chơi xứ lạ. Con đường uốn lượn quanh co qua những làng quê râm mát, đôi khi cặp theo một con rạch nhỏ nước chảy hiền hòa, với vài chiếc xuồng con qua sông y hệt vùng sông nước Cửu Long. Vài xóm nhà đơn sơ bên kia bờ hay mấy mái tranh nghèo lẻ loi giữa mênh mông đồng vắng, lắt lẻo 1 chiếc cầu tre vắt ngang mươn nước nhỏ, thêm vài chú bò nhởn nhơ nhai cỏ, tạo thành một bức tranh quê thật hiền hòa làm tôi nhớ những ngày thơ ấu xa xưa.
Với tôi, nghèo mà yên lành, hiền hòa như thời xa xưa cũ, giống như Miến Điện quê mùa hôm nay sau khi cương quyết thoát Trung, vẫn thích hơn là phải canh cánh bên lòng nỗi lo về ô nhiểm môi trường, về độc tố thức ăn đến từ Trung Quốc và nhất là một đe dọa mất nước vào tay kẻ ác phương Bắc này!
Vâng, Miến Điện vẫn còn nghèo, thậm chí rất nghèo, dù dân số ít, khoảng 54 triệu người và diện tích thì gấp đôi Việt Nam, chừng 676.000km2, với tài nguyên phong phú. Người ta cho rằng ấy là do hậu quả của suốt 1 thời gian dài khép kín bởi chế độ quân sự độc tài trong một quốc gia có cái tên nước gắn thêm cụm từ Xã hội chủ nghĩa!
Mãi đến 2010, khi đổi quốc hiệu từ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Liên bang Miến Điện thành Cộng Hòa Liêng Bang Myanmar, Miến Điện bắt đầu dỡ bỏ bức màn sắt bao quanh, đồng thời nhờ sự hổ trợ của thế giới, đất nước thay đổi dần lên. Tuy nhiên, khó khăn của Miến Điện cũng vẫn tồn tại vì sự lệ thuộc quá sâu vào Trung Quốc. Với giá trị đầu tư lên đến 70%, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Myanmar. Mối quan hệ đôi bên cùng có lợi này thực tế đã không làm hài lòng người dân Miến. Một nhà sư cao tuổi người Myanmar giấu tên nói với tạp chí Economist: "Chúng tôi là bếp nhà của Trung Quốc. Họ lấy những gì họ muốn và để lại những thứ thừa thãi cho chúng tôi". Đặc biệt, họ đã để lại khoảng 2 triệu người Trung Quốc nhập cư vào lãnh thổ các bang phía Bắc Myanmar khiến nó trở thành như một tỉnh của họ!
Có đường biên giới chung với Trung Quốc, quá cách xa chính quyền trung ương nằm ở thủ đô cũ Yangon, là một khu vực với núi rừng hiểm trở, hẻo lánh, nên là địa bàn thích hợp để các nhóm bộ tộc vũ trang cát cứ, mà nổi bậc là Khun Sa, La Hán Tinh. Họ luôn gây khó khăn cho sự ổn định chính trị ở Miến Điện, bởi sự “làm ngơ cố ý” của ông bạn láng giềng phương Bắc! Các ông Trùm này hùng cứ vùng Đông Bắc bang Shan, cũng là Đông Bắc Miến Điện, từng nổi danh là khu Tam giác Vàng, sản xuất và xuất khẩu đến 60% lượng heroin sang thị trường Mỹ. Tôi đã từng có ý định đi phượt đến Miến Điện, qua cửa khẩu Taichilek, nằm tại vùng này, nhưng còn e ngại!
May mắn là có 1 bất ngờ lớn xãy ra kịp thời cho dân Miến, đó là sự “thoát Trung” ngoạn mục của Myanmar thông qua quyết định tạm dừng thực hiện dự án thủy điện Myitsone.
Nằm ở thượng nguồn sông Ayeyawaddy(cũng còn gọi la Irrawaddy) sát biên giới Miến-Trung, được khởi công vào ngày 22 tháng 12 năm 2009, là đập lớn nhất trong chuổi 7 đập do tập đoàn đầu tư năng lượng Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng, dự kiến hoành thành vào năm 2017, với công suất 6.000 MW, cung cấp sản lượng điện mỗi năm 16,634 GWh. Nếu hoàn thành đúng kế hoạch thì đây là đập thủy điện lớn thứ 15 trên thế giới. Theo thiết kế, lòng hồ của đập rộng khoảng 1.214 ki lô mét vuông. Dự án này khiến cho khoảng 10.000 người bị mất đất sinh sống, chủ yếu là người dân tộc Kachin.
Đây là một trong những dự án năng lượng và khai thác mỏ lớn nhất của Trung Quốc, được chính quyền quân sự Myanmar chấp thuận. Myitsone gây tranh cãi đặc biệt bởi nó là con đập đầu tiên trên sông Irrawaddy, nơi được coi là vùng đất thiêng liêng, là cái nôi của nền văn minh Miến Điện.
Dưới áp lực của lòng dân và cảnh báo của các nhà khoa học về ảnh hưởng xấu khôn lường đến môi trường, ngày 30-9-2011, Tổng thống Thein Sein, quyết định đình chỉ dự án vốn có những điều khoảng hoàn toàn bất lợi cho Myanmar, như hơn 90% sản lượng điện sẽ xuất khẩu qua Trung Quốc, trong 50 năm. Thực chất đây cũng chỉ là 1 cái bẫy nợ mà họ giăng ra giống như ở Sri Lanka và nhiều nơi khác trên thế giới, với những gạt gẫm về thuế suất ưu đãi(mà thực tế cao ngất ngưỡng 6,3%, trong khi đó, lãi suất các khoản vay từ Ngân hàng thế giới hay Ngân hàng phát triển châu Á chỉ từ 0,25 - 3%), kèm theo hối lộ các quan chức cầm quyền, khiến sau đó các con nợ không trả nỗi, phải gán nợ bằng cách nhượng lại cổ phần tại các nơi có sự đầu tư của Trung quốc !
Một quyết định kịp thời hợp lòng dân, làm mích lòng cường quốc mà bây giờ nổi tiếng xấu chơi nhất thế giới. Vì ngoài 7 đập theo kế hoạch, Trung Quốc cũng vạch kế hoạch xây dựng đường ống năng lượng từ cảng Kyaukpyu tại Vịnh Bengal của Myanmar dẫn đến miền Nam Trung Quốc. Sông Irrawaddy chảy từ sát biên giới Trung Quốc đến biển Andaman, một thủy lộ quan trọng của Miến Điện. Sự hiện diện ở đây sẽ mang lại cho Trung Quốc một tuyến vận chuyển thương mại đến châu Âu vừa gần hơn, lại rẻ hơn, vì phần nào bớt đi đoạn qua eo Malacca vừa xa vừa nhiều trở ngại!
Từ sau quyết định đó, Myanmar mở cửa và phát triển thấy rõ, dần bỏ lại những năm tháng đen tối dưới thời cai trị hà khắc của quân đội trong 1 quốc gia mà tên nước có kèm theo cụm từ XHCN!
Hôm nay, sau khi rời đỉnh núi KyaikHteeYoe chúng tôi phải nhanh chóng đi ngay về Kalaw vì đường xa đến 600km, mà lúc xuống đến thị trấn Kyaikto thì đã 2 giờ chiều!
Ngày 28-10 năm 2013 tôi vượt sông Moei, qua biên giới Thái-Miến tại cửa khẩu Measot-Myawaddy, nơi mà mấy tháng trước đó chiến tranh sắc tộc vừa xãy ra. Đường sá vẫn còn nhỏ hẹp, tạm bợ. Thậm chí con đường từ của khẩu Myawaddy về Yangon, phải qua đèo Kawkareik dài 43km, rất hẹp, 1 bên là vách núi, 1 bên là vực thẳm, chỉ có thể đi 1 chiều, buổi sáng dành cho chiều ra Myawaddy, buổi chiều dành cho hướng ngược lại về Yangon. Sau này nghe nói con đường qua đèo đã được nới rộng nên xe lưu thông 2 chiều, không còn phải chờ đợi lâu đến nửa ngày!
Tôi chưa trở lại đây lần nào nên không thấy sự thay đổi đó. Nhưng có điều chắc chắn, Miến Điện vẫn còn nghèo!
( Còn tiếp)
|