Cảm xúc từ một trận bóng.
Sau những phút giây ngây ngất trước chiến thắng ngoạn mục của đội U23 Việt Nam tại giải vô địch châu Á 2018, khi bình tâm, tôi thường hay tự hỏi điều mà mình thắc mắc từ rất lâu: vì sao, chỉ là một môn thể thao, trong hằng hà sa số môn thể thao, bóng đá lại có một hấp lực mãnh liệt đến như thế?
Vốn không phải là tín đồ túc cầu giáo, nên tôi ít quan tâm đến bóng đá. Từ tên các cầu thủ, tên huấn luyện viên, tên sân vận động, tên giải đấu…., thậm chí những luật chơi, những vị trí trên sân, những án phạt, v.v… tôi đều mù tịt, có chăng chỉ nhớ lõm bõm tên một vài cầu thủ nổi tiếng mà thôi. Bóng đá trong nước thì vậy, nước ngoài càng chẳng mặn mòi. Giải ngoại hạng Anh, giải vô địch quốc gia Tây ban Nha, giải vô địch châu Âu, World Cup..v.v…và v.v…. chẳng cần biết nó xảy ra khi nào và xảy ra ở đâu, nói chi đến việc xem trực tiếp trên kênh K+( kênh độc quyền phát sóng môn bóng đá)….. Ấy vậy mà, riêng với đội tuyển quốc gia Việt Nam thì lại đặc biệt ưu ái. Mỗi khi biết đội nhà thi đấu quốc tế, tôi lại vô cùng hồi hộp, dõi theo họ theo kiểu của mình là …..chưa bao giờ dám xem trực tiếp trước màn hình (kinh nghiệm cho biết, hễ trận nào có tôi ngồi xem đội mình đá, thể nào sau đó đội cũng bị thua, thế cho nên để kiêng cữ và tránh xui, tôi…đi trốn!). Vào lúc ấy, lòng tự tôn dân tộc trong tôi bỗng được đánh thức, cứ thể như nó đang ngủ đông và đây là thời khắc nó trỗi dậy mạnh mẽ.
Trước trận đấu, bao giờ chồng cũng hỏi: cá đội nào thắng? Câu trả lời luôn là: đội Việt Nam (nhưng nói nhẹ hều thôi, giọng không tự tin lắm, bởi từ lâu, mỗi khi Việt Nam xung trận, từ những giải “ao làng” như SEA Games, Tiger Cup, Suzuki Cup, AFF Cup…, đến những giải thế giới như vòng loại Châu Á, vòng loại World Cup…, Việt Nam thường dừng chân ngay từ vòng ngoài, nên niềm tin vào đội tuyển mỗi lúc càng lung lay. Ngoại hình thấp bé, thể lực kém cỏi, là những nhược điểm muôn đời đè nặng lên đội tuyển. Nên nói “Việt Nam thắng”, chẳng qua là nói theo kiểu “ước mơ”thôi, giấc mơ vẫn triền miên say ngủ. Nhưng không thể phủ nhận, mỗi khi đội tuyển Việt Nam “mang chuông đi đánh xứ người”, thì toàn thể người dân Việt đều mong ước cho đội nhà chiến thắng, mang vinh quang về cho đất nước. Một sự kỳ vọng muôn thuở đáng yêu.
Thử xem, có biết bao môn thể thao đã từng làm rạng danh Việt Nam trên đấu trường quốc tế (bóng đá nữ, bơi lội, cờ vua, cử tạ, bắn súng, điền kinh, wushu… ), thậm chí có những môn đã đạt giải Olympic hay giải thế giới, vậy nhưng chưa có môn nào vinh dự được tung hô qua cảnh tượng mọi người dân rầm rộ xuống đường ăn mừng sau từng trận đấu như bóng đá nam. Mà có phải chỉ ở Việt Nam mới “say sưa” với bóng đá nam như thế. Nhìn sang hầu hết các nước trên thế giới, đâu cũng như nhau, đều cuồng nhiệt với bóng đá nam, và chỉ duy nhất với bóng đá nam mà thôi.
Trong trận tứ kết Việt Nam thắng Iraq, người dân đã có dịp sướng rên lên vì hạnh phúc. Liền sau đó ba ngày, Việt Nam lại thắng nghẹt thở Qatar trong trận bán kết (rượt đuổi tỉ số: đội bạn ghi bàn trước, VN gỡ huề, lại đội bạn ghi bàn, ta lại gỡ huề, phải bước vào loạt đá luân lưu để phân thắng bại, giống hệt tình huống trong trận đấu với Iraq). Không chỉ người Việt Nam đang xem tại cầu trường Thường Châu (Giang Tô,Trung Quốc) vỡ òa cảm xúc, mà khắp nơi trên toàn cõi Việt cũng không thể kìm nén sự sung sướng mà rất lâu rồi dân mình đã không được hưởng. Tôi đã chứng kiến những giọt nước mắt đàn ông trên màn hình ti vi, những chuyên gia bình luận đã không nén nổi xúc động mà bật khóc nức nở trước bao nhiêu người đang theo dõi truyền hình, chứng kiến những giọt nước mắt (và mồ hôi) của những chàng cầu thủ trẻ măng mặt búng ra sữa, những chiến binh nhỏ bé mà oai hùng đang gánh trên vai trách nhiệm với tổ quốc, cả giọt nước mắt của vị huấn luyện viên dày dạn kinh nghiệm trận mạc sân cỏ….Và dĩ nhiên, dân chúng mới là những người hân hoan nhất. Họ xuống đường“đi bão” thâu đêm, trò chơi rất lâu rồi mới lại có dịp xuất hiện.(từ “đi bão” chỉ thể hiện trong việc ăn mừng chiến thắng dành cho bóng đá nam)
Dĩ nhiên, chúng tôi, những người O60-U70 cũng đổ ra đường “ăn theo”. Nam phụ lão ấu, già trẻ gái trai, tất tần tật kéo nhau xuống đường. Gương mặt ai cũng hớn hở, miệng cười tươi như hoa, cầm trên tay những lá cờ lớn nhỏ phất phới. Xe máy chạy ào ào mà lạ thay, không hề chen lấn hay càu nhàu cử nhử, trái lại ai cũng vui vẻ dàn hàng ngang hàng dọc một cách vô cùng trật tự, ngay cả mấy chàng cảnh sát giao thông, mấy anh trật tự đường phố cũng “rảnh rang” mà vui lây với cái vui chung mới dễ chịu làm sao. Máy ảnh, điện thoại thông minh chớp lóe liên tục, ghi lại hình ảnh “ngày hội chiến thắng”; những em bé đầu quấn dải dây “Việt Nam vô địch”, cũng biết giơ tay hình chữ V victory làm dáng khi thấy mấy phó nhòm chĩa ống kính về mình (ai dạy em biết chữ V là chiến thắng, hay thế). Nồi, niêu, soong, chảo, kèn, thanh la, chập chõa, còi xe….từ đâu tuôn ra đầy đường nhanh thật không biết, góp phần làm cho không gian thêm vui nhộn, mà chẳng hề bị phàn nàn. Có nhiều người không hề quen biết, mới chỉ thoáng gặp nhau trên đường đã vẫy tay thân thiện, trao đổi nhau câu chuyện về những pha làm bàn tuyệt hảo vừa qua. Họ cùng chạm tay nhau, miệng đồng thanh hô vang “Việt Nam chiến thắng”. Những nhóm tụm năm tụm ba chưa chịu tan hàng sau trận đấu, giờ lại rủ nhau hòa vào dòng người đang đổ ra đường, ai nán lại trong buổi tán gẫu, thì đều xoay quanh bàn tán về trận cầu lịch sử vừa dứt trước đó chưa lâu. Những anh chàng tây ba lô thì vội vàng thu vào ống kính khoảnh khắc ngộ nghĩnh về “cơn bão”, mà chắc hẳn khi sang Việt Nam, họ không thể ngờ rằng, hôm nay lại gặp “bão tố”vô cùng đáng yêu tại đất nước Đông Nam Á xa xôi này …..Ngay cả những người thân ở cách xa nửa vòng trái đất cũng í ới gọi nhau, gửi tâm trạng mình qua facebook, viber, zalo những hồi hộp, những mừng vui, nói hàng giờ không dứt chuyện bóng đá. Cảm hứng lan truyền từ người này sang người kia nhanh đến chóng mặt. Chưa bao giờ người dân đồng lòng và thân thiện như lúc này (ước gì cuộc sống lúc nào cũng vui được vậy). Hấp lực của môn bóng đá nam nằm ở chỗ đó, mà chưa một ai có thể giải thích hiện tượng này một cách thuyết phục.
Riêng tôi, lại lẩn thẩn suy nghĩ: làm rạng danh hai tiếng VIÊT NAM đâu quá khó. Những đóng góp của từng cá nhân (chẳng hạn trong lãnh vực nhỏ bé là thể thao) cũng có thể làm cho thế giới xuýt xoa khâm phục, huống chi người Việt ta còn giỏi giang trong nhiều lãnh vực khác (khoa học, học thuật, văn hóa, nghệ thuật…). Nên, với riêng những ai đang làm xấu xí bộ mặt đất nước, dịp này phải tự vấn lương tâm, phải cảm thấy hổ thẹn về những việc làm có tính cách phá hoại quốc gia (tham nhũng, bớt xén của công, ăn cắp, dối trá, hèn kém….) . Phải tự trọng trước khi được người trọng. Có gì là quá khó? Chỉ tại họ cố tình không muốn và không thực hiện mà thôi.
(Cảm xúc sau trận Việt Nam huề Qatar 2-2 và thắng 4-3 sau loạt đá luân lưu, giải U23 Châu Á ngày 23/01/2018)
23/01/2018
NGUYỄN THỊ HUYỀN NGÂN
|