Ghi chép
ẤN TƯỢNG ĐỒNG THÁP
NGUYỄN THỊ MÂY
Đoàn chúng tôi khởi hành đến Đồng Tháp một sáng đầu mùa đông. Mặt trời rụt rè vén màn sương, rải những tia nắng nhạt lên vòm cây phía xa, khiến vầng trăng muộn chênh chếch góc trời xấu hổ lấp ló sau đám mây màu sữa chín.
Đoàn văn nghệ sĩ Hội Văn học Nghệ thuật Trà Vinh như nhấp men say. Họ chồm tới, ngóng ra cửa xe, rôm rả chuyện trò khi chiếc xe bò lên cầu Mỹ Thuận. Ai cũng tự hào về cây cầu kiên cố, xinh đẹp nằm vắt ngang dòng sông mênh mông sóng nước. Họ tròn mắt ngạc nhiên nhìn xe bì bõm lội qua một đoạn đường nước nổi tràn bờ bao, hí hửng như trẻ nhỏ được dịp vọc nước đầu ngày . Những cái máy ảnh lại lóe sáng khi có một thiếu nữ quần xắn khỏi gối đang bê một thúng trái cây đi đọc lề đường. Cả đoàn lặng người, bâng khuâng khi xe lướt ngang những ngôi nhà sàn cũ kĩ đứng chênh vênh trên dòng nước đục ngầu phù sa. Những chiếc cầu thang gãy mất vài thanh ngang khiến nổi lo dậy lên. Chẳng biết trẻ con có bị hụt chân không nữa? Tại sao chủ nhà không đóng sửa lại ? Hay do nghèo? Mà cũng đúng! Đồng Tháp năm nào không bị mưa lũ? Có năm nào con nước chịu nằm im để người dân Đồng Tháp được yên! Cứ đến hẹn lại lên! Nước rùn rùn kéo về phủ trắng một vùng. Cuốn trôi nhà cửa, dìm trường học xuống đáy nước . Có khi hung tợn cuốn mất một số người yếu đuối. Vậy mà người Đồng Tháp vẫn thủy chung, son sắc với quê hương. Họ bám lấy mảnh đất mà thiên nhiên nửa bạc đãi nữa ưu tiên. Nước lũ lấy đi một phần của cải nhưng cũng ban phát nhiều thứ. Như cá tôm kéo về hàng đàn. Ăn không hết, người Đồng Tháp biến chúng thành khô, mắm, thành đặc sản quê hương. Nước càng lên, hoa điên điển càng vàng rực đồng nước. Thêm vào đó là hoa sen thi nhau sinh sôi nảy nở, tô hồng những đầm nước, làm ngẩn ngơ khách đường xa. Bây giờ thì tôi càng thấm thía khi nghĩ về câu ca dao
Tháp Mười đẹp nhất hoa sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ.
Ngoài hương sắc, hoa sen còn cống hiến cho con ngươi những chiếc gương sen đầy hạt. Nếu ăn hạt lúc còn tươi sẽ cảm thấy vị ngòn ngọt, bùi bùi. Còn nấu chè thì ngon hết chỗ nói luôn. Đã vậy còn bổ. Đặc biệt là trà tim sen. Uống vừa thơm vừa sảng khoái vừa dễ ngủ.
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là trụ sở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp. Chúng tôi được đón tiếp niềm nở. Để tranh thủ thời gian, nhạc sĩ Phạm Khiêm, Chủ tích Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp cử họa sĩ Ngọc Đại cùng với ông theo Đoàn tham quan đến cửa khẩu Thường Phước , biên giới Camphuchia – Việt Nam. Dù cây cầu phường An Lạc đang sửa chửa, cấm xe lớn qua cầu nhưng nhạc sĩ Phạm Khiêm không để chúng tôi thất vọng. Ông cho xe nhỏ đưa chúng tôi qua cầu rồi thuê xe địa phương đưa chúng tôi đến biên giới. Được đứng cạnh cột mốc, nơi cờ đỏ sao vàng và cờ nước bạn campuchia phất phới. Tôi bồi hồi, xúc động khi nhìn dãy rào chắn. Có phải đây là ranh giới của sự tốt và xấu của người qua lại cửa khẩu? Tôi bỗng thương thật là thương các anh chiếc sĩ biên phòng nơi đây. Họ bồng súng đứng canh giữ an ninh cho cả đôi bên. Họ như những vị thần bốn mặt . Vị thần lúc nào cũng đưa những cánh tay đỡ lấy mái chùa , chong mắt cảnh giác đề phòng ma quỷ quấy rối.
Đoàn chúng tôi được Ủy ban nhân dân xã Thường Phước 1 mời ăn trưa. Thật là tuyệt! Toàn đặc sản! Cá lóc nướng trui, cá chạch kho nghệ, canh khổ qua dồn cá thác lác. Cá kèo nướng muối ớt… Chúng tôi còn được chiêu đãi những bài ca cổ với giọng ngọt như mật, êm như gió mùa thu. Tôi nhớ mãi giọng ngân của Thu Nhờ, cô bé chỉ mới trạc tuổi con tôi nhưng đã thành công lắm. Anh Vũ Phong đại diện cho Đoàn VHNT TV hát giao lưu bằng một bài ca cổ ca ngợi Đồng Tháp do anh sáng tác. Sau khi chụp ảnh lưu niệm, chúng tôi từ giả Hồng Ngự trong niềm luyến tiếc. (Hình 3 và 4)
Đoàn ghé thăm tượng Đài Giồng Thị Đam, cách huyện Tam Nông 12 km, để được cảm thấy tự hào về những người con Việt Nam anh hùng bất khuất. Để tự nhủ thầm “Cái khó chưa hẳn bó cái khôn”. Dù ở hoàn cảnh địa lý khắc nghiệt nhưng người Đồng Tháp vẫn tạo nên những chiến công lừng lẫy.
Do thời gian không cho phép, chúng tôi không vào Tràm Chim mà chỉ ghé lại bên đường, xuống xe ngắm hoàng hôn, bàng hoàng nhìn mặt trời sắp chui tọt xuống đường chân trời, hối hả hắt những tia sáng rực rỡ cuối ngày lên những cánh chim vội vả bay về tổ. Có vài nhà thơ lội xuống bờ ao để hái mấy đóa hoa điên điển nở muộn. Có lẽ trong tim họ đang trào dâng cảm xúc với những vần thơ còn e ấp.
Ngày đi thực tế thứ nhất kết thúc sau bữa ăn tối do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp chiêu đãi. Chúng tôi lại được thưởng thức đặc sản. Nào là khô cá trèn chiên giòn, tôm, mực xào chua, chả giò cua gói rau sống chấm nước mắm tỏi ớt. Đặc biệt là món canh chua lá giang với gà vườn. Vị chua thanh tao, hậu ngòn ngọt của lá giang khiến cho bao mệt mỏi, gió bụi đường xa trôi tuột mất, nhường cho khoái cảm thưởng thức ẩm thực địa phương.
Chúng tôi bắt đầu ngày thứ hai của chuyến đi thực tế với sự hướng dẫn của nhà thơ Hữu Nhân, hội viên hội Nhà thơ Việt Nam mà cũng là thành viên ban chấp hành hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp. Nhờ tính cách vui vẻ, kiến thức rộng nên chuyến đi càng thú vị. Xe lướt qua nơi nào thì anh giới thiệu về đất nước và con người nơi đó. Thỉnh thoảng kể chuyện vui khiến chúng tôi cười nghiêng ngã. Sau khi ghé thăm tượng đài Liệt sĩ, chúng tôi tiến đến khu di tích Lịch sử - Văn hoá Mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc. Giám đốc khu di tích mời chúng tôi vào nhà khách dùng trà . Ông còn cử một nhân viên hướng dẫn đoàn tham quan và thuyết minh về cuộc đời, sự nghiệp và lịch sử ngôi mộ cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Sau đó, lần lượt đi thăm Nhà Kiếng, Hồ sao, nhà sàn, Nhà Trưng bày…
Điểm đến sau cùng của Đoàn là căn cứ cách mạng Xẻo Quít thuộc hai xã Mỹ Hiệp và Mỹ Long, huyện Cao lãnh. Có thể nói đây là điểm ấn tượng nhất đối với tôi. Cả đoàn ghé khu dã ngoại trước. Mọi người được mời uống trà tim sen miễn phí. Vị chan chát hòa quyện hương thơm dịu dàng khiến tôi khỏe hẵn ra. Tôi cùng tác giả trẻ Trịnh Thị Phương đánh một vòng để chọc phá mấy chú khỉ đang ngủ gật, con trăn cuộn mình lặng im chẳng biết đang suy nghĩ gì, hay là nó nhớ rừng già? Hai cô cháu ngóng nhìn những đóa sen trên mặt hồ trông như những ngọn nến ai thắp bập bùng trên mặt nước.
Sau đó, chúng tôi qua khu di tích Xẻo Quít, xuống xuồng ba lá để khám phá khu kháng chiến xưa. Mỗi chiếc xuồng được một chị mặc bộ bà ba đen, quàng khăn rằn ngồi ở đầu mũi, cầm chèo khuấy nước. Chiếc xuồng luồn lách xuyên rừng tràm mát rượi. Những cây tràm cao chọc trời khoác chiếc áo xanh rờn của không biết bao nhiêu là giây leo, tạo cho dáng cây nét đẹp độc đáo đến không ngờ. Xuồng lướt ngang :Hội trường , nhà ở của đơn vị bảo vệ Tỉnh Ủy…Nơi ngày xưa bí thư tỉnh ủy nhóm họp, đưa ra những nghị quyết quan trọng, chỉ đạo cuộc kháng chiến của khu vực đã gây kinh hoàng cho địch. Dù địch cũng phản ứng bằng cách pháo kích , dội bom cày nát xẻo quít, tạo nên những cái hố sâu hoắm . Hàng loạt cây tràm ngã nghiêng, cơ sở vật chất bị hư hại . Nhưng ngay sau đó, mọi thứ được xây dựng lại, củng cố vững chắc hơn . Thậm chí, những cái hố bom trở nên chỗ cho tôm cá trú ngụ , những cây tràm dần dần hồi sinh, xanh mướt dù nằm chênh vênh , nghiêng nghiêng trên mặt xẻo . Chúng trở nên chứng tích về sự tàn bạo của chiến tranh , sự chịu đựng kiên cường của nhân dân Đồng Tháp trong thời kỳ đấu tranh giữ nước.
Khi ngắm nhìn các cô gái mặc áo bà ba đen, vai vắt khăn rằn đang chăm chỉ đan những vật dụng cần thiết trong đời sống lòng tôi trào dâng niềm thương mến . Đây hẳn là hậu duệ của những anh hùng, liệt sĩ thuở nào. Họ khiến cho chúng tôi an tâm về Đồng Tháp trong tương lai.
Chuyến đi thực tế tỉnh Đồng Tháp trong mùa nước nổi thật sự là một chuyến đi hữu ích. Tuy chỉ có hai ngày ngắn ngủi, nhưng Đồng Tháp đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc về đất nước và con người. Tôi tin một ngày không xa, Đồng Tháp sẽ phát triển nhiều hơn nữa!
Nguyễn Thị Mây
Được em ca sĩ Thu Nhờ ôm vai. Thương ơi là thương giọng ngân ngọt ngào của Thu Nhờ.
Đứng cạnh cột mốc .
|