29/5/2016
Sản xuất rau quả an toàn:
Hướng đi tất yếu của kinh tế thị trường |
- KS Lê Hiếu Hửu - |
(P1)
SẢN XUẤT RAU QUẢ AN TOÀN: HƯỚNG ĐI TẤT YẾU CỦA KINH TẾ THỊ TRƯỜNG.
Trong những ngày gần đây, qua truyền thông chính thức và các mạng xã hội, vấn đề an toàn thực phẩm được quan tâm nhiều hơn trong đó nặng phần lo âu cho những bữa cơm gia đình làm sao có nhiều rau quả an toàn cho người tiêu dùng, vì lợi ích cá nhân , gia đình mà một bộ phận nông dân chỉ lo có thu nhập cao qua năng suất thu hoạch ngày càng nhiều, hình thức bắt mắt, mau thu lợi mà không tuân thủ các chuẩn mực trong sản xuất, không quan tâm ảnh hưởng độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Những ruộng rau muống xài nhớt thải cộng với các loại nông dược không rõ nguồn gốc, trái cây phun ngay ngâm thuốc tăng trưởng, thuốc trừ sâu bệnh không theo hướng dẫn, không theo thời gian cách ly…cộng thêm truyền thông theo hướng tiêu cực đã làm giảm niềm tin người tiêu dùng, dẫn đến nguồn cầu sụt, giá rẻ, có lúc phải đổ bỏ.
Trong bài viết này, sẽ tập trung vào rau quả an toàn (RQAT), theo tiêu chuẩn Viet GAP ( Good Agricultural Practices: Các thực hành nông nghiệp tốt của Việt Nam), hay mức độ cao hơn nữa là Global GAP (Các thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu và truy xuất được nguồn gốc) .
Riêng sản xuất rau quả hữu cơ (RQHC) không dùng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật… dành cho thị trường khách mua giới hạn cũng chưa đề cập trong bài viết.
Trong lúc từ rau quả sạch đang còn chưa rõ là áp dụng cho gọi RQAT hay RQHC nên sẽ không nhắc đến trong bài này. Trong điều kiện nước ta hiện nay, thiểt nghĩ tập trung phát triển RQAT có bước đi là phù hợp, cần đánh giá hiện trạng, tìm ra các giải pháp thích hợp từ nhà nước, doanh nghiệp và nông dân.
Theo các tài liệu của Viet GAP, các sản phẩm được xem là RQAT toàn khi thỏa mãn bốn tiêu chí chính sau không được vượt quá tiêu chuẩn cho phép khi thu hoạch, chế biến và bán ra thị trường:
1. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (như thuốc trừ sâu, bệnh, cỏ dại, kích thích tố, xử lý sau thu hoạch…)
2. Số lượng vi sinh vật (như vi trùng E. coli, Salmonella gây tiêu chảy cấp), nấm mốc Alflatoxin gây ung thư) và ký sinh trùng (như trứng, ấu trùng, thành trùng của giun sán).
3. Dư lượng nitrat (NO3).
4. Dư lượng các kim loại nặng như chì, thủy ngân, arsenic, kẽm , đồng, Cadmium…
Tiêu chuẩn 1 và 2 do sử dụng thuốc không đúng kỹ thuật (lọai, liều, cách và thời gian cách ly ), do sử dụng nguồn nước ô nhiễm, phân động vật tươi để bón, tưới gây ngộ độc cấp tính và mãn tính.
Tiêu chuẩn 3 và 4 là tác nhân chính dẫn đến ung thư, dị dạng thai nhi…qua tích lũy theo thời gian.
Hiện trạng sản xuất rau quả hiện này:
- Là sản phẩm tươi, dễ hư hỏng trong điều kiện nhiệt đới và thiếu phương tiện tồn trử như ở nước ta.
- Sản xuất trên diện tích nhỏ, vài trăm đến vài ngàn m2 với nhiều loại cây theo tập quán gia đình, đa số là cá thể, thiếu đầu tư khoa học kỹ thuật (giống, tưới tiêu, quản lý dịch hại…), liên kết trong sản xuất, mua đầu vào, bán đầu ra.
- Thiếu tín dụng đầy đủ để thâm canh, đa số mua nợ dẫn đến lệ thuộc vào người bán vật tư hay thu mua nông sản.
- Nhà nước chưa quan tâm đầu tư mảng rau quả từ nghiên cứu, khuyến nông, tổ chức liên kết.
- Thông tin về sử dụng sản phẩm nông dược trong thời gian qua chủ yếu là từ quảng bá của các Cty kinh doanh, thiếu kinh phí cho Khuyến Nông, Bảo Vệ Thực Vật để có tính khách quan trong sử dụng đúng đối tượng cây trồng, dịch hại, thời điểm xử lý, nồng độ, thời gian cách ly…
- Mạng lưới cán bộ kỹ thuật cơ sở thiếu và yếu do không có ngân sách và thiếu quan tâm
KS Lê Hiếu Hửu ( NLS Huế)
Chuyên viên Marketing
(Còn tiếp P2)