2 Kẻ lang thang khám phá nước Mỹ (tt)
Mong Phước Minh
Chào các bạn, gần 2 tháng qua tôi đã vắng bóng trên FB, khiến nhiều người đã lo lắng, hỏi thăm. Thật ra, kẻ lãng du này vẫn khỏe mạnh, chỉ vì có nhiều nỗi lo về sức khỏe người thân yêu trong thời gian đó, nên đành lỗi hẹn với mọi người. Hôm nay, tình hình tạm ổn, mon men trở lại đây để tiếp tục cuộc rong chơi trên đất Mỹ vốn chưa kết thúc. Thành thật xin lỗi.
Ngảy 02-7-2017, chúng tôi xuống xe tại bãi đổ xe bên cạnh cây xăng trước chợ ABC, ở phố Bolsa. Một người Việt Nam khi chờ đổ xăng, đã nói: tôi sống ở đây hơn 40 năm, lúc nơi nầy còn đất trống, hoang vu, vẫn chưa đi xe đò lần nào, có việc lên San Jose hay San Francisco...tôi toàn tự lái, chắc hôm nào quỡn, đi thử 1 chuyến cho biết...
Chim quyên xuống đất ăn trùng,
Anh hùng lỡ vận, lên rừng đốt than.
Câu hát ru con quen thuộc ấy, có lẽ cũng đã vượt bao sóng gió bão bùng nơi biển khơi hoặc theo những chuyến bay “định mệnh nổi trôi cùng vận nước”, đến đây từ những lúc ấy. Câu hát mang cái giai điệu buồn của vần thơ lục bát, chan chứa thân phận hẩm hiu của những con người “lỡ vận”, rời bỏ cảnh bon chen trong cuộc chiến sinh tồn, để tìm chốn xa xôi ẩn dật! Trong trường hợp này, tuy nước Mỹ không phải chỗ nào cũng thâm sâu, Los Angeles cũng không là nơi quá hoang vu dành cho những con người sa cơ thất thế, nhưng trong chừng mực nào đó, nó cũng chẳng khác, đó là nỗi bơ vơ lạc lỏng nơi miền đất trời xa lạ, đó là cái mất mác những “ràng buộc thương yêu” có được hồi còn sống nơi “chôn nhau cắt rún”!
Dù là lên rừng đốt than hay định cư nơi đất mới, đấy đều là “xứ lạ”, tránh sao được những giây phút não lòng khi nhớ về quê cũ. Cho nên, câu hát kia nhiều khi không chỉ để ru con, mà là để “ru ta” cho quên bớt nỗi buồn xa xứ!
Hơn nữa, vào thời điểm này, mấy ai đã chọn cuộc ly hương, lại nghĩ rằng mình sẽ có ngày quay về nơi cố xứ? Nên họ tìm đến nhau, nương tựa, đùm bọc để sống, để có cơ hội gặp lại những hình ảnh, những sinh hoạt thương yêu nơi quê hương vừa đánh mất. Họ đành phải dần thích nghi nơi đất khách, nỗ lực vượt qua những khó khăn bất ngờ, như rào cản ngôn ngữ, khác biệt văn hóa, phong tục, kiến thức...để dần lớn mạnh. Nhưng trước tiên, theo lời dạy của tiền nhân là “an cư thì mới lạc nghiệp”, những kẻ tha hương tự tìm cho mình nơi chốn thích nghi để tính việc sinh sống ổn định lâu dài. Nên nhớ, lúc đầu chính quyền Mỹ đã có ý định phân tán dân tị nạn đều khắp các tiểu bang. Nhưng vốn là đất nước tự do, dân chủ, quyền cư trú được tôn trọng, kể cả những di dân, nên người Việt đã tự tìm đến nhau và tìm nơi có hoàn cảnh địa dư tương tự quê nhà để sống. Thế là miền Nam California được nhiều người Việt chọn làm điểm đến, vì khí hậu thích hợp và điều kiện đất đai còn hoang vắng, rẻ tiền, vừa với khả năng của những người mới đến định cư.
Và thế là tất cả họ cùng nhau góp phần làm thay đổi bộ mặt của 2 thành phố Garden Grove và Westminster, quận Orange, rồi lan rộng ra các thành phố lân cận, Stanton, Fountain Valley, Anaheim, Santa Ana...biến 1 vùng nông nghiệp chậm phát triển, thành một khu vực thương mại năng động, sầm uất bậc nhất khu vực.