Tuỳ bút
MÙA XUÂN CHẠM NGÕ
Nguyễn Thị Mây
Khi gió chướng bất chợt phất qua khung cửa, lòng tôi bỗng nao nao, rũ mềm. Tôi nhớ quay quắt những mùa tết cũ ở quê nhà. Nhớ đến nghẹn thở những ngày cùng người thân, bạn bè gom nhặt từng chút một để làm nên mùa xuân đạm bạc, khó quên.
Vừa sang tháng Chạp, ẩn trong vẻ tĩnh lặng làng quê là những gợn sóng ngầm náo nức, xen lẫn âu lo. Tôi bắt gặp tiếng chắc lưỡi hít hà: ”Mau quá! Lại sắp tết rồi. Khổ tới nơi!” Người thích than thở nhất là bà ngoại. Bà đi ra đi vào, nhìn lên cái tủ thờ lạnh lẽo, trống trơn rồi đảo mắt vào cái bếp la liệt xoong nồi đen kịn lọ nghẹ treo cặp vách lá. Bà hạ thấp tầm nhìn xuống cái hũ gạo bé tẹo lúc nào cũng không đầy dến một phần tư. Ngoại ra ngồi trên cái chõng tre, têm vội miếng trầu, đặt vào cái ống ngoáy vàng xỉn, giầm tan nát lá trầu xanh đến khi nó chuyển sang màu máu. Bấy giờ, mọi người lẽn đi nơi khác, để bà yên với những giọt nước mắt chực trào xuống đôi má hóp.
Mẹ bắt đầu quảy gánh hàng ra chợ sớm hơn và đến tối mịt mới quay về. Thỉnh thoảng, mẹ lôi từ trong cái thúng khúc vải ú nâu để may áo cho bà, khi thì khúc vải ka- ki để may quần cho ông. Có hôm là một bộ đồ hoa vàng cho tôi. Mẹ cứ thầm lặng tha về từng món, chậm rãi, đủng đỉnh như không có gì phải vội. Khi nghe tôi khoe, lũ bạn cằn nhằn: ”Sao dì không mua một lần mà cứ vài ba bữa “rước” một món cho mắc công tụi tao… nôn nao từng chặp vậy hả?”. Dù vậy, tôi biết chúng hiểu. Bởi mẹ chúng có khác gì đâu. Cả tuần nhịn ăn sáng, cắn răng bớt thức ăn chiều mới gom đủ tiền mua một cái áo loại rẻ tiền sực nức mùi hồ vải. Bác Tư, mẹ Hạnh là trùm sò nhất. Bao giờ bà cũng lựa màu sặc sỡ, dài rộng để… trừ hao sang năm mặc vẫn vừa. Vì vậy khi trông thấy Hạnh xúng xính trong bộ đồ màu xanh đọt chuối mà lưng quần phải kéo lên tận ngực cho khỏi vấp, áo lại dài tới đầu gối, tụi tôi bò ra cười. Nỗi vui cứ ngất ngưởng tận chín tầng mây.
Sau mỗi buổi học, bọn tôi vác bao đi hốt lá dầu khô hoặc nhặt củi để dành ba ngày tết nhóm bếp. Tôi xếp cẩn thận từng xấp lá cây củi vào bao. Nhờ vậy, nó nhiều đến nỗi khi hai đứa bạn khiêng đặt lên lưng tôi thì tôi té sấp vì nặng. Thằng Phong càu nhàu: ”Đồ tham lam! Củi và lá chứ phải tiền đâu mà mầy hốt cho cố, cõng nặng le lưỡi cho biết thân!” . Tôi nhớ đến đôi quang gánh ngày ngày oằn nặng trên vai mẹ khiến dáng người còng xuống như một dấu hỏi giữa trời chiều. Tôi bỗng trở thành lực sĩ, vác cái bao nhẹ tênh như thể vác mây trên trời.
Khi chái bếp đầy củi, chúng tôi chuyển sang việc bám theo mấy người tát đìa cá. Tôi hăng hái lội xuống sình phụ xách giỏ. Tôi thừa biết khi xong việc thế nào người ta cũng ném cho vài con cá ngộp. Chỉ chờ có vậy, chúng tôi mang “chiến lợi phẩm” chạy về nhà giao cho người lớn. Ngoại làm sạch rồi ướp muối, phơi khô. Tết đến đem nướng chấm nước mắm me. Lúc đó thì thượng đế cũng phải tràn nước bọt ra bên khóe.
Nhà tôi nghèo nên không có mùa xuân nào gói bánh tét. Mãi đến sang ngày ba mươi tết mẹ mới mua về một, hai đòn để cúng kiến rước ông bà. Bao giờ mẹ cũng dùng sợi chỉ cắt nó thành sáu khoanh để chia đều cho mỗi người. Và bao giờ mẹ với bà cũng giành miếng bìa vì ngán mỡ và đậu. Tôi ngạc nhiên lắm. Mãi đến khi có con tôi mới hiểu lòng bà và mẹ.
Đã bao mùa Tết tôi không có dịp quay về chốn cũ. Để rồi cứ ngậm nỗi buồn tưởng tiếc những mùa qua. Và, khi tiếng chuông chùa ngân nga giữa đêm trừ tịch, báo hiệu khoảnh khắc giao thừa đã điểm, tôi thắp nén hương trầm lạy tạ tổ tiên rồi khai bút. Tôi trải lên trang giấy nỗi nhớ dạt dào những ngày mùa xuân chạm ngõ quê tôi.
Nguyễn Thị Mây (Trà Vinh)