Truyện ngắn:
CHUYỆN TÌNH BẾN SÔNG
Khi trở lại thăm cù lao Tân Phong (Cái Bè) đã phát triển trở thành một khu du lịch sinh thái thật sung túc, tôi nghe giai thoại về cái tên dân gian là “Cồn Ốc” vì ngày xưa nơi này người dân nơi đây có rất nhiều loại ốc sinh sống : ốc lác, ốc bươu, ốc leng, ốc dừa… bổ sung vào nguồn thức ăn dinh dưỡng đồng thời là nguồn thủy sản cho người dân thu gom và đem bán, tôi chợt nhớ đến một nơi khác cũng mang tên Cồn Ốc nằm trên dòng sông Hàm Luông ở Bến Tre; cù lao Ốc thuộc xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, cách thị xã Bến Tre khoảng hơn 10km có chiều dài 8.3km, rộng hơn 1km. Cồn Ốc là cồn nổi lớn nhất trên sông Hàm Luông. Ban đầu, nơi đây chỉ là một cồn nhỏ và thấp, có nhiều ốc bám vào các loài cây ngập nước trên nền phù sa, vì vậy nơi đây mới có tên gọi là cồn Ốc, mãnh đất trù phú do phù sa bồi đắp những mãnh vườn trái cây xanh tốt và cuộc sống thật bình yên của vùng quê miệt vườn..
Ngày đó nhân đi thực tập để làm đề tài cho một luận án ra trường tôi đã về ba tỉnh miền Tây và có thời gian ghé lại Bến Tre nơi quê hương của tôi từ thuở nhỏ, để thuận tiện công việc tôi tá túc nhà một người bà con ở Cầu Cá Lóc (TP Bến Tre) mỗi ngày đi thu thập tài liệu rồi về đó nghỉ ngơi viết bài, trong gia đình này có người tôi gọi bằng Dì đang dạy học ở một trường tiểu học ở Cồn Ốc, giới thiệu cho tôi biết về cảnh đẹp và không khí bình yên ở Cù Lao này và mong rằng có dịp sẽ đưa tôi về đó chơi ít ngày, tôi cũng mong được thời gian thanh thản dạo chơi sau gần ba tháng đi thực tập nên sắp xếp mấy ngày nghỉ theo dì về thăm Cồn Ốc .
Sáng ra bến đò tại chợ Bến Tre đi theo dòng sông hiền hòa này chừng hơn 1 giờ là tới bến đi vào Cồn Ốc, ngày xưa khung cảnh còn hoang sơ tại đây chỉ có một trường tiểu học và các cô giáo được trường che tạm một dãy tập thể để nghỉ ngơi sau giờ dạy, tôi được dì giới thiệu với các cô giáo trong trường và làm quen với không khí sinh hoạt của bà con nơi đây, trong giờ dạy của dì tôi đi lòng vòng thăm các khu vườn, trò chuyện cùng bà con nông dân hay đi xuống bến thường ngồi uống café dưới mé sông, tan lớp bà Dì kêu ơi ới là trở về ăn cơm, có một buổi không có tiết dạy, dì liền rủ tôi qua vườn trái cây của một cô giáo người bản xứ thật nhỏ nhắn nhưng xinh đẹp và vẫn giữ nét dịu dàng của gái quê, lúc đầu thì cô rất e ngại khi trò chuyện nhưng sau nghe dì nói là tôi cũng là người Bến Tre nên dần dần cũng tự nhiên hơn..
Hôm đó cô giáo mặc bộ bà ba màu hồng nhạt làm tôn nét mảnh mai trò chuyện thì nhỏ nhẹ, tôi cùng người dì qua nhà từ sáng sớm, thăm hỏi gia đình sau đó là đi vào vườn, ngày xưa dù được sinh ra ở Bến Tre nhưng do chiến tranh tôi theo gia đình ra đi từ lúc mởi 3 tuổi nên chưa quen thuộc với những sinh hoạt miền quê, lúc thọc dừa còn lóng ngóng mãi mới được một trái mà không biết vạt ra uống nước, hay khi đi qua con mương nhỏ có chiếc cầu nhỏ xíu bằng cây tròn tôi ngại không dám bước qua, cô giáo đứng chờ mãi rồi mạnh dạn giơ tay cho tôi nắm lấy và dẫn từng bước qua cầu, hai người trò chuyện cười vui rộn rã khắp khu vườn vì xem tôi như “yểu điệu thục nữ” lúc đó tôi vẫn còn nét thư sinh nên chỉ biết lắp bắp trò chuyện và góp tiếng cười cùng mọi người ..
Sau khi ra vườn ăn trái cây trở về khu nhà chính thì trời cũng quá trưa, gia đình của cô giáo chân thành mời chúng tôi ở lại dùng cơm, tôi ngần ngại thì bà dì dặn nhỏ là ở quê người ta thiệt thà nếu từ chối họ sẽ giận, thế là tôi chỉ biết cảm ơn rồi ngồi vào bàn với mâm cơm còn nghi ngút khói, những món ăn với hương vị đồng quê như canh rau má với cá đồng hay cá Bống kho tiêu với nước dừa làm cho bửa ăn rất thú vị và mọi người cùng ăn ngon lành mà không hề khách sáo …Chúng tôi cảm ơn và chia tay ra về mà vẫn còn quyến luyến những tình cảm mộc mạc nhưng chân thành đó nhưng không biết có dịp nào báo đáp,nhưng sau này ra trường tôi lại chuyển đi tỉnh xa không còn có dịp trở lại quê hương cồn Ốc, tôi hỏi thăm thì biết cô giáo năm xưa cũng đã lập gia đình có cuộc sống đầm ấm và hạnh phúc …
Giờ khi nhớ lại kỷ niệm xưa và thông qua người quen tôi biết được Cồn Ốc hiện nay là khu du lịch với nhiều địa điểm cùng các đặc sản, văn hóa dân dã mà khi đến đây khách tham quan sẽ được tham quan vườn dừa với rất nhiều loại khác nhau. trên 20 giống dừa xiêm, dừa ta các loại như: dừa dứa, dừa xiêm xanh, dừa tam quan, dừa ẻo, dừa dâu….góp phần tạo nên sự đa dạng cho các giống dừa ở Việt Nam. Nơi đây cũng tập trung nhiều loài cây ăn trái đặc sản như dừa núm, bưởi da xanh… với chất lượng ngon hơn hẳn các vùng với nhiều giống dừa khác nhau. Ngoài ra còn các sản phẩm mỹ nghệ làm từ dừa để làm vật kỷ niệm
Một lần trở lại chốn xưa, ngồi bên dòng sông ấy, vừa uống nước dừa, vừa được tận hưởng không gian thoáng mát trong một lần về thăm Cồn Ốc nhớ lại những kỷ niệm xưa thì còn gì bằng.
Tran- Chu -Ngoc
|