Có muôn ngàn câu hát , những vần thơ hay, rất nhiều câu ca dao ngợi ca tình Mẹ, đã ví von như biển Thái Bình, như dòng suối ngọt… Tôi lại xao lòng biết dường bao, khi nhìn thấy câu : “ Gánh nặng cuộc đời, không ai khổ bằng Cha…”
Trong cuộc sống với những bộn bề lo toan, đôi lúc ta lại quên cái hiện hữu trước mắt, vô tình đánh mất những thứ đáng quí, mà suốt quãng đời còn lại ân hận mãi không nguôi…Với tôi, cơ hội nói với Ba lời xin lỗi, luôn làm tôi day dứt !
Ba là trụ cột của gia đình, luôn quí trọng tình nghĩa, và có tấm lòng nhân hậu . Tôi đã sống bên Ba suốt quãng đời thơ ấu, đã trưởng thành trong sự thương yêu , che chở của Ba. Trong sự nghiệp, Ba luôn là người động viên, nhắc nhở, cố vấn, dù là những điều nhỏ nhặt…. Cái nghèo nàn thiếu thốn của gia đình, khiến tôi nổ lực không ngừng, Ba đã giúp tôi hiểu giá trị của cuộc sống, phải hết sức trân trọng bản thân, và khi gặp bảo tố trong cuộc đời, phải đứng lên bằng đôi chân của chính mình.
Thời gian trôi nhanh, bảy mươi, tám mươi, rồi… chín mươi tuổi, .... Không hề giảm đi sự minh mẫn nơi Ba, tôi lại quên mất là Ba đã già, như ngọn đèn hiu hắt, chỉ biết rằng mua những món ăn mà Ba thích, kể những câu chuyện hằng ngày cho Ba vui, rồi để Ba ở nhà một mình, làm bạn với cái Ti vi….Có những lúc Ba không vui, vì tôi đi suốt cả ngày, nhiều lúc không được khoẻ, mà không biết phải làm sao, lúc đó tôi nào hiểu được nỗi cô đơn, buồn tủi của người già, mà chỉ nghĩ rằng cố gắng làm việc, lo cho Ba đầy đủ bằng khả năng của mình, chính là lòng hiếu thảo, đền đáp phần nào công ơn của cha mẹ, thế sao tôi lại không hiểu thêm rằng : Tuổi già và niềm vui không phụ thuộc vào vật chất!
Những ngày cuối đời, Ba đã dúi vào tay tôi cái bóp củ kỹ, trong đó không có tiền, chỉ có vài tờ giấy nho nhỏ, tôi cất kỹ vào ngăn tủ, chưa kịp xem viết gì trong đó, thì Ba đã qua đời... Khi Ba mất, căn nhà trở nên trống vắng, đi dạy về không còn ai để tôi kể chuyện, những tờ báo chẳng còn người xem, nay được đặt lên bàn thờ, với vài nén nhang và ngọn đèn dầu nho nhỏ, cái giường ngũ trống không, tách trà còn đó, vẫn nghi ngút khói, mà sao lại lạnh lẽo đến não lòng ! Nỗi nhớ Ba trào dâng, làm cay xè đôi mắt…
Ngày xưa, nhà nghèo, nấu món ăn đạm bạc , rẻ tiền, Ba luôn tấm tắc khen ngon; nhà dột, nước ngập, cả nhà nhìn nhau mà cười, Ba luôn ao ước sửa sang lại căn nhà, có một mảnh đất nhỏ lúc qua đời, và tôi đở phải vất vã trong cuộc sống. Vậy mà, nguyện vọng ấy cứ trôi mãi theo thời gian, Ba đã nằm một nơi xa xôi, hẻo lánh vì sự nghèo nàn của tôi…
...Tìm lại cái bóp đựng tiền của Ba, vẫn còn hơi ấm như truyền cho tôi sức mạnh để chấp nhận một thực tế, và có phải chăng trong cỏi vô hình Ba đã mỡ rộng tấm lòng khi chưa kịp nghe lời xin lỗi, .....Có còn chăng, chỉ là mảnh giấy ghi địa chỉ của các cô chú, vài tờ lịch có mấy toa thuốc bổ, tôi lật phía bên kia, thấy câu danh ngôn : “ Người ta lấy được lữa từ quá khứ, chứ không phải đống tro tàn” ....... Có lẽ, Ba vô tình xé tờ lịch và viết những điều cần thiết, nhưng dù sao, cũng nhờ vào câu danh ngôn nầy, tôi đã xem như lời giáo huấn của Ba......Cứ mỗi ngày như thế, tôi luôn tâm niệm rằng, phải cố gắng thật nhiều trong công việc, trân trọng những khoảnh khắc thời gian, và sống với mọi người bằng tất cả chân tình …
... Trong thâm tâm, Ba luôn hiện hữu, nâng từng bước tôi đi trên đường đời !!!
Tài năng, công danh, sự nghiệp… giờ đã đủ đầy... Thế nhưng, mỗi sáng, mỗi chiều từ cơ quan về nhà, chỉ mình tôi thui thủi. Nỗi cô đơn vây quanh lấy tôi trong tận cùng của sự quạnh quẽ, mãi tận sau nầy tôi mới chợt nhận ra cảm giác “ một mình” là như thế nào. Đó là cái bóng tẻ nhạt, vô hồn, đơn độc, âm thầm… Thế mới thấu hiểu hết cái trăn trở, nghĩ suy, dằn vặt của Ba thuở sinh thời !
Mỗi năm thêm một tuổi, lại nặng gánh lo toan với bao bộn bề của cuộc sống, có những phút giây thèm quẳng gánh ưu tư để được dong ruổi vui chơi khi thời gian đang trôi dần về cuối đường của “cỏi đi về”.
Tôi chợt nhận ra đỉnh cao của thành công có cả sự nuối tiếc, hụt hẩng, mất mát… ngay đến vội vàng của một lời xin lỗi muộn màng cũng chẳng kịp thốt nên lời.
Có- Không- Còn- Mất- Đi- Về là qui luật muôn đời của vạn vật. Biết thế sao vẫn nghe lòng thổn thức khi phải đối diện với thực tế: ta với ta. Ở cỏi vĩnh hằng, Cha Con ta sẽ gặp nhau, lúc đó sự cảm thông, sẽ chia, yêu thương… thay cho lời tha thứ !
...Tôi đã, đang và luôn thực hiện những điều tốt đẹp nhất cho mình, mọi người, xã hội. Có như thế, mới cảm thấy vơi nhẹ sự hối hận thỉnh thoảng lại dằn xé trong tôi. Thay vào đó sự trống rổng của tâm hồn bằng những việc làm cụ thể, có ý nghĩa, tự hoàn thiện mình để vươn tới “Chân, thiện, mỹ” như lòng mong mõi, kỳ vọng nơi Ba !
Từ trong góc nhỏ nhoi nhất của tâm linh, ánh mắt độ lượng và nụ cười bao dung, nhân hậu của Ba hiện lên , cho tôi sự bình yên, thanh thản. ... Thế mà… dù có làm gì đi nữa, có sống tốt thế mấy, có thành đạt bao nhiêu, tôi vẫn không quên hình ảnh của Ba ngồi trông ra cửa mỗi khi tôi về thật trể, với lời trách nhẹ, và sự lo lắng còn vương trên đôi mắt, rồi luôn nhớ mỗi sáng Ba đã tự pha trà, cà phê, trong khi tôi vội vã sữa soạn đến Trường, đâu đó còn văng vẵng câu nói hằng ngày của Ba: “ Nhớ xong việc về sớm nghe con, xe cộ nhiều, Ba lo…”...
Ngôi nhà nước ngập, mưa dột không còn nữa. Bây giờ Tôi đã có một ngôi nhà khang trang, xinh xắn sau những ngày lao động vất vã, và mỗi ngày được đứng trên bục giảng, có học trò, có đồng nghiệp để chia sẽ những vui buồn trong cuộc sống,… Thế mà cảm giác quạnh quẻ, hoang vắng luôn đầy ắp trong tôi. Ước gì, lúc nầy có Ba bên cạnh, để tôi được lo lắng, chăm sóc cho Người được ấm áp hơn những ngày đã qua.
...Tuổi xế chiều của đời tôi chắc rồi cũng sẽ như Ba, bởi đó là qui luật của tạo hoá…. Cô đơn, trống vắng và nuối tiếc.
...Ôi ! Nếu có kiếp sau, tôi chỉ ước mơ được một điều duy nhất, xin được làm con của Ba để hoàn thiện những thiếu sót của mình trong quá khứ !
.... BA ƠI... Hãy nhận cho con lời xin lỗi dù quá muộn màng !
.................................................................................
NGÔ CẨM HỒNG....02.05.2015.
( BÀI VIẾT ĐĂNG TRÊN TRANG NLS CẦN THƠ )
|