3/9/2015
HOẠT ĐỘNG NGÀY HÈ
CHO HỌC SINH TẠI ANH
Nguyễn Thị Kim-Thu |
Trẻ em sinh hoạt trong dịp nghỉ hè tại các câu lạc bộ nghỉ hè (Holiday Club)
Ở bậc tiểu học và trung học công lập (State schools) tại Anh, trong một năm học sinh chỉ học trung bình 190 ngày tổng cộng ở nhà trường, gồm 6 học kỳ (terms). Mỗi học kỳ kéo dài từ 23 ngày đến 38 ngày, và kèm giữa là ngày nghỉ giữa học kỳ (half term holiday), kéo dài 1 tuần đến 3 tuần, tùy theo mùa. Thời gian nghỉ hè giữa 2 niên học là dài nhất, khoảng 7 tuần lễ (50 ngày).
Các trường tư thục (independent schools) tại Anh thì tự trị và độc lập, nên thời gian học cũng như thời biểu cũng khác với trường công lập. Một năm học gồm 3 học kỳ (term), tương tự như ở bậc đại học. Tổng số ngày đi học là 186 ngày. Giữa các học kỳ thì học sinh nghỉ bán học kỳ kéo dài từ 7 ngày đến 11 ngày tùy mùa. Ba dịp lể dài nhất là Nghĩ Lễ Giáng Sinh (20 ngày, Christmas holiday), Nghĩ Lễ Phục Sinh (25 ngày, Easter holiday) và nghĩ hè (50 ngày, Summer holiday).
Ở Việt Nam, bậc phụ huynh phải lo lắng nhiều trong suốt niên học về tiền học phí, lệ phí, đóng góp hội đoàn, tiền mua sách vở, tiền học thêm ban đêm và cuối tuần v.v.
Ở Anh, bậc phụ huynh không phải lo lắng về chuyện tiền bạc ăn học ở bậc tiểu học và trung học trường công lập, vì giáo dục cưỡng bách và miễn phí cho tới 18 tuổi cho mọi trẻ em. Không phải đóng một khoảng tiền nào cho trường hay mua sách giáo khoa vì tất cả đều do nhà trường cung cấp (lấy từ thuế quốc gia và thuế địa phương). Học sinh nghèo được ăn trưa miễn phí. Bậc phụ huynh chỉ tốn tiền mua quần áo đồng phục, và thỉnh thoảng các cháu với tính tự nguyện đóng góp tùy ý vào từ thiện như giúp trẻ em tật nguyền, đói khổ ở nước nghèo.
Ở các trường tư thục (independent school), việc giáo dục đặc biệt tốt đẹp hơn ở trường công, và chỉ có gia đình giàu trong giới thượng lưu (high society) mới có thể cho con đến học ở các trường này, vì rất tốn kém, nhưng “tiền nào của đó”. Cũng cần nói thêm, không phải ai có tiền cũng có thể cho con vào học các trường này. Nhà trường tuyển chọn kỹ mỗi học sinh trước khi chấp nhận, và họ có quyền sa thải nếu các em không đạt tiêu chuẩn ở các năm đầu.
Nói vậy, phụ huynh học sinh ở Anh không phải là không lo lắng. Nhưng họ lo lắng cái khác. Họ không lo lắng trong thời gian con cái học ở trường trong niên học, nhưng rất lo lắng trong thời gian nghỉ lễ, nghỉ 3 lần bán-học kỳ mỗi lần nghĩ kéo dài từ 7 ngày đến 11 ngày, và 3 lần nghỉ lâu dài hơn là Giáng Sinh (20 ngày), Phục Sinh (25 ngày) và nghỉ hè (50 ngày).
Luật lệ ở Anh là không được phép để trẻ em dưới 12 tuổi ở một mình trong nhà, không được phép trẻ em ngủ một mình trong nhà nếu dưới 16 tuổi, lúc nào cũng phải có một người trên 18 tuổi chăm nom. Vi phạm điều này bậc cha mẹ bị phạt hay ở tù nếu có chuyện gì xấu xảy ra.
Nếu một trong hai bậc cha mẹ không đi làm việc, thường là người mẹ, thì không có vấn đề khó khăn để giải quyết trong các ngày nghỉ học này.
Nhưng đó là một vần đề lớn cho bậc cha mẹ, nếu cả hai đều đi làm việc. Làm sao giải quyết cho con cái trong các ngày nghỉ này.
Trong xã hội ở Anh, con cái sau 18 tuổi không sống cùng cha mẹ. Công ăn việc làm tốt thường ở nơi xa. Nếu may mắn có ông bà nội, ông bà ngoại ở gần, thì có thể nhờ ông bà lần lượt trông coi giúp cháu ít ngày mà thôi, chứ không thể trông coi suốt mùa hè, hay ngày lễ dài.
Mặc dầu mỗi người đi làm có 6 tuần nghỉ phép, vợ và chồng thay phiên nhau nghỉ để trông nom con cái trong thời gian chúng nghỉ, vẫn không đủ. Vì vậy, giải pháp tốt nhất là gởi chúng đến các tổ chức thiếu nhi sinh hoạt trong các dịp lễ, như “Holiday Club”, “Holiday Adventure Camps”, “Energy Kidz”, v.v., do phòng học vụ của tỉnh tổ chức cho mỗi địa phương (tương đối rẽ tiền), hoặc do các trường tư thục tổ chức (trả nhiều tiền hơn). Phụ huynh chọn và ghi danh tùy theo túi tiền, mục đích giáo dục cho con, v.v. Các tổ chức này không phải là nơi giữ trẻ trong dịp nghỉ lễ hay nghỉ hè, mà là nơi rèn luyện kỷ năng sống tùy theo lứa tuổi, dành cho trẻ em từ 4 tuổi đến 16 tuổi, thời gian bán thì (4 giờ/ngày) hay toàn thì (8 giờ/ngày).
Các cháu Adam và Sammy của chúng tôi trong 7 tuần nghỉ hè, thì có 2 tuần theo ba mẹ đi nghỉ hè ở Thụy Sỉ, 1 tuần ông bà ngoại chăm sóc, 3 tuần theo hoạt động ở Kings Camps và 1 tuần do ba mẹ ở nhà chăm sóc trước khi tựu trường.
Kings Camps do trường tư thục Queen Anne School ở Reading tổ chức, cách nhà chỉ 4 km, nên rất tiện lợi việc đưa đón các cháu. Nhà trường có diện tích tổng cộng 16 ha. Dành cho sinh hoạt các cháu tham dự Kings Camps trong các dịp nghỉ lễ và nghỉ hè là một Trung Tâm Thể thao tọa lạc trong một ngôi nhà 2 tầng lớn gồm có phòng thể dục thẩm mỹ với đầy đủ thiết bị, phòng khiêu vũ (dance studio), phòng thể thao tổng quát chứa trên 100 em, sân bóng chuyền, bóng rỗ, và một bức tường để tập leo vượt (climbing wall). Bên ngoài là một sân vận động lớn có đường chạy thể thao (athletics tracks), sân đá banh, sân chơi cricket (một môn thể thao của người Anh và các dân trong khối Thịnh Vượng Chung của Anh). Ngoài ra còn khu vực có 14 sân tennis, 7 sân bóng rỗ và một hồ tắm dài 25 m với 6 băng lội nằm bên trong một ngôi nhà có điều hòa nhiệt độ không khí và nhiệt độ nước.
Trường nử Queen Anne ở Reading với diện tích tổng cộng 16 ha, gồm các dãy lớp học, sân vận động và sân tennis, v.v.
Phòng thể dục bên trong nhà
Hồ tắm (Swimming pool) bên trong nhà
Trai gái chơi môn đá bóng Rugby
Một trò chơi thể thao của trẻ em
Huấn luyến bóng đá cho các em
Các em dược chia theo từng nhóm theo tuổi, mỗi nhóm tối đa 20 em, được hướng dẫn bởi hai vận động viên chuyên nghiệp (phải tốt nghiệp ở trường chuyên thể thao). Tùy theo tuổi mà các em được hướng dẫn vui chơi và hoạt động, ngoài trời (các thể thao ngoài trời như đá banh, bóng chuyền, v.v.) nếu thời tiết tốt, hay trong nhà với các sinh hoạt thể dục trong nhà, nhạc disco, nhảy múa, đố vui, bơi lội, hội họa, làm thủ công, v.v. nếu thời tiết xấu. Tóm lại là suốt một buổi hay một ngày trẻ em được trải qua nhiều hoạt động thú vị, không nhàm chán, xen kẻ giữa hoạt động mệt sức với các hoạt động nhẹ nhàng, thích hợp ở từng lứa tuổi. Hoạt động vừa có tính chất bồi dưỡng thân thể, cũng như giáo dục, đặc biệt giáo dục tinh thần hợp tác đồng đội (team work).
Giáo dục hợp tác đồng đội là căn bản ở nhà trường cũng như trong các sinh hoạt. Trong thể thao hay trò chơi, ca nhạc hay khiêu vũ bao giờ cũng tổ chức thành nhóm tranh đua nhau, vì vậy tạo các em tinh thần đồng đội, phải tìm hiểu học hỏi năng khiếu của đồng đội để hợp tác với nhau hiệu quả nhất để chiến thắng đối phương.
Sau 3 tuần sinh hoạt, ngày cuối cùng là buổi chia tay với các bạn bè mới quen, cháu Sammy khóc đòi ở lại sinh hoạt thêm. Đành phải dỗ cháu và hẹn hè sang năm.
Reading, cuối hè 2015.
Nguyễn Thị Kim-Thu