ĐƯỜNG VỀ QUÊ .
(Bài viết này xin dành tặng cho các bạn đã xem và quan tâm 13 tập của bài viết BA CHÌM BẢY NỔI, các bạn ai cũng muốn biết đường về quê của gia đình như thế nào, xin các bạn xem bài viết này nhé)
Về tới Long xuyên gặp được những người bạn, những anh em trong xóm, trong Ủy ban ai cũng mừng khi hay tin mình bỏ Sài Gòn trở về quê sinh sống. Chỉ 2 hôm sau là nhận lại nhiệm vụ cũ, cái chức vụ Trưởng ban văn hóa xã đã dành sẵn cho mình , thời điểm đó lương đã được 180 nghìn mỗi tháng. Tạm thời ở trên cái phòng truyền thanh xã trên lầu cái trạm Y tế xã, từ đó qua uỷ ban có mấy bước chân nên cũng đâu cần đi xe...
Nhiệm vụ mới mà cũ nay cũng vui, buổi sáng đúng 5 giờ tiếp âm Đài Tỉnh tới 6h30 phát 15 phút tin địa phương, sáng cà phê rảo một vòng Ban ngành, mặt trận lấy tin tức, số liệu, tin Người tốt việc tốt... là có mối hú đi nhậu... chiều sau khi đưa sếp duyệt tin là thực hiện thu thanh chương trình cho ngày mai... cứ thế dòng đời êm ả trôi nhẹ nhàng không bị ai chửi.
Tháng lương đầu tiên vừa lãnh xong xin phép 3 ngày lên Sài gòn rước con, mấy đứa nhỏ nhao nhao lên vì mừng khi nghe tin được Ba rước về, chắc chắn rằng bọn nhỏ cũng đã chán cảnh nhân tình thế thái. Lúc đó mẹ sắp nhỏ mới mếu máo khóc lóc:
- Tôi biết tôi sai rồi xin ông cho tui về quê theo tụi nhỏ nếu ông không cho tôi về thì tôi sẽ... đi tu.
Mấy đứa con nhìn tôi năn nỉ :
- Ba cho mẹ về nha ba, mẹ nói mẹ cũng chán ở trên này rồi đừng để mẹ đi tu nha ba...
Tôi nói :
- Bà ở đây với chị bà đi. Không có bà thì ai Song kiếm hợp bích với bả. Từ lâu bà không có coi tui là chồng thì về sống chung sau được.
Vậy là bả khóc, 4 đứa con cũng òa lên khóc mấy người lối xóm tưởng nhà có ai chết nên bu lại xem rất đông.
Khi biết chuyện họ khuyên tôi :
- Thôi dẫu sao cũng có 4 đứa con chú Sáu ơi, thím không về tụi nhỏ nó nhớ mẹ tội nghiệp tụi nó lắm.
Tôi cũng không biết nói gì hơn :
- Thôi thì tôi cũng vì con mà tha cho bà một lần đó, nhớ là đừng có tái phạm làm tôi khó xử.
Tụi nhỏ nhảy lên mừng rỡ thôi thì cũng tạm mà vui với các con vậy. Cái gì thì cái cũng phải ghé nhà mua chút quà thăm Má vợ, nếu bị đuổi thì mình về có sao đâu.
Ngập ngừng bước vô nhà lúc Má vợ đang nằm trên chiếc ghế bố tôi gằn giọng hỏi :
- Khỏe hả chị Sáu.
Bất ngờ nên má vợ trả lời:
- Ờ cũng khỏe mà chú là ai nghe tiếng hơi quen quen.
- Dạ em là thằng hay bị mời lại nhà này cho bà chị vợ chửi đó.
Má vợ lúc đó mới la lên:
- Trời ơi thằng rể mắc dịch... con lên hồi nào? Ở dưới quê bà con mình mạnh khỏe hết hả? Bà năm bong bóng còn đánh bài không? Chú ba bên đầu cầu khỏe không con?
- Dạ mấy người đó còn khỏe hết má ơi. Gặp con ai cũng hỏi thăm má và mấy đứa nhỏ. Con cũng có việc làm rồi, con trở lại làm ở Uỷ ban xã con mới lãnh lương nên lên rước mấy đứa nhỏ về sớm cho tụi nó kịp đi học.
- Ừa cho tụi nhỏ về đi con. Ở trên này tụi nó không học hành được lớn lên nó hư hết. Còn con quỷ cái mẹ tụi nó con đừng có rước nó dìa nghen, thứ đó cho nó ở một mình cho nó biết thân.
Má vợ hiền như cục đất bà với tôi cũng có nhiều chuyện vui lắm...
Bà không ăn được thịt vịt chỉ ăn thịt gà ta, mà nhà nghèo nên ăn thịt gà mua sao nỗi. Bà nói với tôi :
- Con à, con chạy ra chợ tìm mấy chỗ bán cháo gà năn nỉ họ mua cho má cái gan gà nhe. Má thèm quá...
Cháo vịt thì bán đầy, cháo gà ít ai bán nên chạy ra tới chợ Long xuyên gặp cái bảng cháo gà mừng quá vô hỏi mua cái gan gà bà bán cháo trừng cặp mắt :
- Bộ ông khùng hả? mua cái gì hỏng mua mua cái gan con gà. Bán cái gan cho ông nồi cháo tui bán cho ai?
Sợ bà già vợ thèm tội nghiệp nên tôi ghé hàng cháo vịt mua đại cái gan con vịt đem về. Má vợ vừa ăn vừa nói:
- Con mua được là hay lắm chứ nồi cháo gà của người ta hỏi mua cái gan thế nào cũng bị chửi. Mà đúng là gan con gà này ngon quá chứ mà là gan con vịt má cắn vô một miếng là bị ói liền.
Tôi ngồi xem má vợ ăn ngon lành chờ bà ăn xong tôi kêu :
- Maika đâu con?
Nghe kêu Maika nó chạy ra hỏi :
- Ba kêu con cái gì ba?
- Con quét nhà giùm lấy cái ki hốt rác coi ngoại ói chỗ nào hốt giùm ba.
Má vợ hỏi :
- Ủa thằng quỷ, Má ói hồi nào đâu?
- Thì Má nói ăn gan vịt chỉ cần đưa vô miệng là ói mà. Cái hồi nãy là gan con vịt Má ơi. Nghe lời má hỏi mua gan con gà con bị chửi quá trời đây nè.
Má vợ cười mắng :
- Thằng rể điên điển.
Cũng nhờ thằng rể điên điển mà bà má vợ biết mình ăn cái gan vịt không bị ói...
Lúc đó bà chị vợ ra hỏi :
- Ủa mới lên hả em?
Nghe chị hỏi mà tôi nổi gai ốc cả mình :
- Dạ thưa em lên rước con.
- Ừa về quê cũng tốt, cho tụi nhỏ đi học cho đàng hoàng. Sẵn hôm nay gặp em lên cho chị xin lỗi chuyện vừa qua chị quá đáng với em. Bây giờ muốn khuyên em ở lại thì chắc em không tin, thôi về quê có việc làm cũng tốt rồi, khi nào khó khăn gì em cho chị hay. Còn đây là 3 chỉ vàng hôm trước bán cái xe bồ ệch của em em cầm lấy về quê muốn mua gì thì mua.
Má vợ bỗng nhiên vỗ tay không biết bà khen con gái bà diễn tuồng giỏi hay khen thằng rể bà hôm nay không bị chửi.
Bà nói :
- Bỏ qua được thì má mừng lắm. Con quỷ lớn tối ngày đi chùa tụng kinh niệm phật mà ác với em út, con cháu, thì trời phật nào mà chứng. Con quỷ nhỏ thì thằng chồng mày nó hiền nó đánh mày 1 cái là mày chết liền mày không nhớ hả. Bớt cái tánh hung dữ mới sống đời với nhau, nó không vì con nó nó bỏ mày lâu rồi. Còn con rể nghe má dặn làm việc nhà nước con bớt ăn nhậu để có thời giờ chăm sóc tụi nhỏ nhe con.
Ra khỏi nhà mẹ tụi nhỏ hỏi :
- Bà chị tui sao hôm nay bả hiền khô vậy? Ông với bả như nước với lửa mà hôm nay chị chị em em ngọt xớt vậy.
- Chị bà mà bà không biết sao. Bả nói cho bà dọn đồ về quê để bả lấy cái nhà lại bả bán chớ làm chi. Tháng rồi người ta trả giá 15 cây vàng bả muốn bán lắm nhưng có bầy ôn dịch này nằm vạ sao bán được.
Mẹ tụi nhỏ lầm bầm:
- Hèn chi...mà sao ông biết mà không nói với tôi?
- Tôi giả khờ xem chuyện đời thôi, chứ chuyện gì mà tôi không biết. Bả hứa cho bà bao nhiêu khi bán được cái nhà nữa kìa.
- Tôi biết tôi sai rồi mà...
Thế là đồ đạc, quần áo gởi về trên xe tải vợ chồng con cái lại từ giả cái lối sống giả giả thật thật... nhưng mình biết bả muốn theo mấy đứa nhỏ chứ dễ gì bả chịu bỏ gia đình, bỏ bà già và bà chị dễ thương... có tiền tôi qua chợ Tân Thành mua 2 chiếc xe đạp, một chiếc cho mình, một chiếc cho con, còn một ít để sửa lại căn nhà và để mẹ tụi nhỏ có vốn mở cái tiệm tạp hóa nhỏ.
Nhưng cái nhà gởi ông tổ trưởng ổng cho người khác thuê (dĩ nhiên ổng lấy tiền) người thuê không chịu trả nhà vì họ nói chưa có chỗ dọn đi phải chờ gần 2 tháng, thời gian đó cả gia đình Bầu tôi phải che cái chòi bằng ny long ở tạm trong sân nhà bác Mười Trung ngang nhà, giống như mấy người chạy giặc tản cư hồi xưa vậy .
Khi người chủ thuê trả lại căn nhà thì nó đã xiêu vẹo lại dột nát, số tiền sửa chửa khá nhiều nên phải vay mượn tiền của anh em, bạn bè, gom tùm lum những người có thể cho mình vay, vậy mà chỉ còn mua lá dừng thì hết tiền...
2 giờ khuya anh Tư Phương một ông chủ lò heo chạy xe lại kêu cửa đưa mấy trăm anh nói:
- Ông cầm tiền này mua lá lợp cho xong cái nhà lúc nào trả tôi cũng được. Muốn đưa cho ông lúc sáng nhưng đông người quá không tiện...
Cái tình nó như vậy, lại có những người bạn đưa tiền cho mình mà không cần thời gian phải trả lại, đó là những tấm chân tình mình luôn trân trọng đến tận bây giờ.
Lúc đó phong trào văn nghệ ở Thị xã Long xuyên còn sung lắm, năm nào cũng có Văn nghệ quần chúng, Thông tin cổ động chứ không phải im re như bây giờ. Bầu tôi xây dựng lại đội văn nghệ xã tham dự cuộc thi nào cũng đạt thứ hạng cao. Những ngày trong tuần thì hầu như không có đêm nào đội văn nghệ xã cũng có show, hết tiệc cưới, tiệc giỗ, thôi nôi, đầy tháng, Hát với nhau...
Có dư đồng nào Bầu tôi mua âm thanh, ánh sáng... nhưng nói chung toàn là được các Mạnh thường quân tài trợ nên tuy không có bao nhiêu tiền nhưng thu nhập hàng đêm cũng tạm gọi là sống... được.
Một hôm giữa mùa hè (1999)cả đội văn nghệ ra khách sạn Thái Bình dự tiệc cưới của một người bạn tên Dũng ở chợ Đông An ban nhạc ra đánh xong được chị Năm Liên phụ trách nhà hàng hợp đồng phục vụ ca nhạc hàng đêm. Sau khi hội ý anh em đồng ý kéo thuyền ra "Biển lớn" vì khách sạn Thái Bình là tụ điểm Ca nhạc lớn nhất Long xuyên, biết bao nhiêu ban nhạc Nổi tiếng đã ăn dầm nằm dề trên sân khấu này. Vì vậy mà Ngày khai trương các đàn anh đàn chị văn nghệ sỹ Long xuyên kéo lại ngồi uống cà phê người trề kẻ nhún khi thấy ban nhạc "cắc cùm cum" mà dám ra đánh nơi trung tâm thị xã. Mình đã lường trước chuyện đó nên trên mặt các thùng bass mình dán mấy chữ COMG mấy "đàn anh" không biết là chữ gì nên hỏi mình nói :
- Dạ mấy chữ này là chữ viết tắt của mấy chữ Cóc ổi mía ghim...
chắc mấy đàn anh cũng tội nghiệp cho ban nhạc nghèo nên sau đó được nhiều anh chị em đến cộng tác..
Ban nhạc nhà nghèo nhưng lúc đó cũng rất sung:
Organ 1 Hoát Mành, Or gan 2 Tám Vân, guitar Bass Bình Triết, Drum Thanh Nhàn... Ca sỹ chánh thì có Thiên Tứ (một giọng ca nhạc từng đoạt Huy chương Vàng toàn quốc, Huy chương vàng Đồng bằng sông Cửu Long, Huy chương vàng tiếng hát mùa Thu...) Lê Dũng, Hoàng Thắng, Hoàng Phúc, Nguyễn Linh...
(dĩ nhiên là Bầu tui đánh guitar rồi)
Mình chợt nhớ lại lúc ở sài gòn bên vợ có nhà hàng ca nhạc mà mình chỉ được giữ xe.. thôi thì, biết đâu trình độ cở như mình chỉ thích hợp với vùng quê? Còn cái nhà hàng Thái Bình thì nhắc cho mình nhớ lại cái sân khấu có hồ nước có mái vòm như cái mui xe ngựa thủa mình còn làm ở phòng thiết kế được phân công vẽ phối cảnh, bây giờ cũng khác ngày xưa nhiều...
Đến năm 2000, Long xuyên lên cấp Thành phố nên cái nhà hàng Thái Bình được đập bỏ và xây lại thành khách sạn Đông Xuyên .Tới bây giờ tuy Long xuyên đã nâng tầm Thành phố nhưng vẫn thiếu một tụ điểm Sinh hoạt văn hóa văn nghệ như Thái Bình ngày xưa. Giống như cái rạp hát Minh Hiển bây giờ cũng trở thành cái ngân hàng và bà con Long xuyên vẫn nhớ lắm cái rạp hát từng là nơi đến của biết bao đoàn cải lương, bao nhiêu đoàn Đại nhạc hội...
Mấy đứa nhỏ lại được đi học và mẹ tụi nó bắt đầu nhớ Sài gòn, nhớ bà chị dễ thương. Mỗi lần muốn đi thì bả kiếm chuyện làm ầm lên rồi xách gói ra đi vài tháng chán chê thì lại trở về, mùa lũ nước ngập lênh đênh Bầu tui lấy 2 tấm tol mướn thợ hàn thành chiếc xuồng bơi qua đám ruộng đưa rước tụi nhỏ đi học, tối tối mấy cha con leo lên cái gác xem tivi giành nhau chơi điện tử, tụi nhỏ cũng quen sống với ba, quen những món cơm ba nấu, Tết tụi nhỏ có về thì tụi nó lại náo nức chờ ba kho nồi thịt kho tàu, hăm hở chờ những món ăn ba nấu mặc dù tụi nhỏ đã có gia đình và đứa nào cũng biết nấu ăn, ngày giỗ mẹ... tụi nhỏ cũng lăng xăng vô bếp làm món này món kia nhưng gặp ba là: Ba ơi nêm lại giùm con. Hình như từ lâu tụi nhỏ đã xem ba nó là chuẩn mực của cuộc đời... ./.
Bùi Trung.
#ncctv