Rác kia mà biết nói năng
Nguyễn thị Huyền Ngân
|
Truyện vui :
Rác kia mà biết nói năng(*)
Tôi là rác, cũng có nghĩa, rác là ….tôi. Tôi xuất hiện trên thế gian này với nhiều hình dạng: túi rác, bịch rác, đống rác, thùng rác, bô rác, xe rác, bãi rác, núi rác…. Ngay cả loại rác”rải rác”( không tập trung) khắp nơi cũng thuộc họ hàng nhà tôi, vì khi gom hết mấy thứ rác rải rác đó ở khắp nơi có khi nó trở thành một núi rác, một bãi rác đầy tú hụ chứ chẳng chơi. Từ sau đây tôi chỉ dùng một danh từ “rác” là đủ nghĩa rồi, còn đống hay bịch hay bãi thì cũng như nhau, chỉ khác nhau ở chỗ kích thước, hình dáng thôi. Nội dung bên trong thì “tuy hai mà một”.
Rác, là tôi, rất đa dạng. Từ cái bịch xốp đựng tôm tép cá thịt tanh rình đến cái vỏ chai thủy tinh bây giờ vứt chả ma nào thèm lụm. Ngày xưa rác ve chai tôi có giá lắm nghe, bằng chứng là từ danh từ riêng, ve chai tôi đã đường hoàng trở thành danh từ chung, được cho là slogan giúp tiếng rao thêm nặng ký: “ai “de” chai bán hôn?”. Bạn nối khố với ve chai tôi từ hồi còn để chỏm, tóc ba vá muổng dùa là “lông dzịt” thì đã khuất núi từ đời tám hoánh nào rồi, riêng tôi vẫn sống dai cùng năm tháng, dù (nói nhỏ nghen) bây giờ chẳng còn ma nào chịu mua ve chai, (chỉ có tiếng mà không còn miếng), nhưng vẫn ngoan cố mượn tên tôi làm trò mua bán ì sèo, còn ngang nhiên gọi đích danh nơi mua bán đồng nát là “vựa ve chai”, cái này nếu tôi mà có chữ nghĩa chút, tôi sẽ khởi kiện về cái tội đạo tên, ăn cắp bản quyền chứ chẳng chơi.
Rác, lại cũng tôi. Từ cái ghế salon rách bươm từng mảng quăng lăn lóc bất cứ nơi nào “trống vắng”( những bãi đất trống, những nhà vắng chủ…) đến “mua đồng hồ điện, đồng hồ nước, tivi, tủ lạnh, mua máy phát điên( quên, phải thêm dấu nặng), máy bơm nước, máy vi tính, mua đồng hồ ơ rô, đồng hồ treo tường, quạt máy, quạt trần, dàn karaoke, máy vi zéo( người ta đọc nôm na vậy cho bình dân học vụ, nên tôi ghi lại vậy cho sát bản gốc). Nói túm lại, tất tần tật món gì có bán trên thị trường, lúc đầu mới toanh, nhưng sau một thời gian xài quá cỡ thợ mộc đến bét nhè ra thì trở thành …cái thằng rác tôi, chạy đâu cho khỏi “lưới trời lồng lộng, thưa mà khó thoát”.
Tôi là rác. Suốt ngày thằng bạn đồng hành với tôi là thằng thùng rác phải gào khản tiếng “cho tôi xin rác”để tụi tôi có dịp đi chung cho vui( chậc, cơ chế “xin cho” đã thâm nhập khá sâu, đến rác cũng phải “cho xin”), vậy mà chả mấy ai thấm nhuần. Mấy cái thằng thùng rác đứng lưa thưa như lá mùa thu, nhiều ngả đường lại còn ỏng ẹo chẳng thèm có mặt. Làm như thể bạn tôi choán đường ghê gớm lắm, là nguyên nhân của mấy vụ tắc đường, kẹt xe vậy đó. Oan ôi ông địa, tôi thề rằng bạn tôi, tức thằng composite, cái nào cái nấy đều be bé xinh xinh, cách điệu bằng những con chim cánh cụt há mồm, những con ếch ộp đủ màu sắc, những con gấu phình bụng…xinh ra phết, hay chân phương nhất vẫn là hình …cái thùng, đứng khép nép rất ư khiêm tốn ở một góc khuất … không ai thấy, nên vụ kẹt xe hay tắc đường là do mấy tay thủ phạm khác: buôn bán lấn chiếm vỉa hè, xe đậu lấn chiếm lề đường, yêng hùng lấn chiếm làn đường…Bạn tôi nhỏ bé, có tội gì đâu. À có, nó có tội, mà tội nặng chớ, nói không tội là…mắc tội “bao che”. Bằng chứng là có những cái thùng rác bé bé, nhưng hàng chữ “xin bỏ rác vào thùng” thì to to, ghi dòng chữ chình ình cả hai mặt thùng rất ư nghiêm chỉnh. Ai biểu nó không chịu kiếm cách “chơi nổi” cho đập vào mặt, nhầm, mắt người ta. Nên đừng trách người ta sao quá đỗi vô tư, bỏ rác cứ bỏ một đống ở bên ngoài cái thùng, còn trong thùng thì sạch sẽ không có một cọng rác. Tội của bạn tôi là: làm cho thiên hạ mù hết rồi.
Mà cũng tại mấy cái thùng rác “thấp cổ bé miệng” kia lúc nào cũng dơ hày, nên lại càng là nguyên do không “bỏ rác vào thùng” mà “bỏ rác ngoài thùng”. Dân ta hay có cái tính ”làm ngược” để tỏ ra mình không thèm bắt chước ai, thế nên đã hình thành một thói quen “bất tuân hiệu lệnh”. Thử mà xem, chỗ nào có bảng “cấm đổ rác”( câu mệnh lệnh) hoặc “xin đừng đổ rác”( câu lịch sự), bất kể là mệnh lệnh cách hay van xin lạy lục, vẫn không lay động lòng trắc ẩn, trái lại, mọc sừng sững liền một bãi rác mới “cáu “. Cũng vậy, “cấm đái bậy” thì tức khắc chỗ ấy được phủ đầy hóa chất amoniac và acid uric; “cấm ỉa bậy” là chỗ ấy ngày mai sẽ thành… đống phân bón hữu cơ( gớm, toàn những nhà hóa học cả), nhanh ơi là nhanh! Du khách phàn nàn đi du lịch Việt Nam sợ nhất là “thiếu vệ sinh”. À không, tôi nói chưa đủ từ: thiếu chỗ đi vệ sinh, tức cái toa lét đó. Họ nói tầm bậy, toa lét đầy dẫy mọi nơi như thế mà bảo thiếu là thiếu thế nào. Muốn sạch thì cứ ở nhà, đừng sang đây chơi bời rồi chê ỏng chê eo nữa, đã chấp nhận đến đây thì phải “nhập gia tùy tục” chớ, cái đồ …chi mà lạc hậu.
Cũng bởi tại rằng thì là, thiếu thằng bạn đường( là thùng rác) (do cấp trên có chủ trương phải tiết kiệm ngân sách), nên dân ta có thêm đặc quyền: tự do xả rác. Bạ đâu quăng đấy, như một nét văn hóa đặc trưng chẳng nơi nào có được. Hồi trước còn kín đáo, cứ chập tối đến, khi ánh sáng đã trở nên le lói khiến không ai còn nhìn thấy ai, người ta mới mang rác từ trong nhà ra ngoài ngõ. Còn bây giờ thì “hết thuốc chữa”, sáng trưa chiều tối gì cũng có thể mặt kênh lên, tay cầm tòn teng túi rác đặt phịch ngay bên lề đường thành từng đống to đống nhỏ( mà đố ai phạt được) dài dài trên mọi nẻo đường, trông thật vui mắt. Xung quanh mỗi gốc cây mới là nơi đặt rác lý tưởng nhất, vì gốc cây là của chung, còn lề đường là của riêng mấy nhà mặt tiền, lỡ khi đặt không đúng chuẩn, ngay giữa mặt tiền căn nhà nào chẳng hạn, sẽ nghe chủ nhà lên tiếng quát nạt “cơm bò lên”(complain) ngay, phiền toái lắm. Có người tính tình kín đáo hơn, có bao nhiêu túi rác to rác nhỏ là nhét ngay vào hố ga, cống thoát nước cho sạch sẽ khu phố, mặc kệ rác tôi bị ngộp thiếu điều muốn ná thở, lâu ngày cống thoát thành cống bít, mỗi khi mưa lớn, rác tôi phía ngoài trôi vào ngập miệng cống, rác tôi phía trong trồi ra bít miệng cống, thế là “phố bỗng là dòng sông uốn quanh”(*) ( nhạc Trịnh Công Sơn ), thơ mộng hết biết. Yêu nhất là người và xe bỗng trở thành võ sĩ đấu vật với mẹ thiên nhiên, bì bõm trong Venice thành phố nổi, hay ca bài “ hôm qua tát nước đầu đình”, nhịp nhàng nhà nọ hắt lên thì nhà kia xà xuống, trông không khác gì một dàn hợp xướng.
Những dòng sông tuổi thơ cũng là nơi chốn dung thân lý tưởng của tôi. Nói vậy thì oan tôi quá, vì khi tôi đã thành rác rồi, người ta muốn làm gì thì làm, tôi đâu còn quyền mà muốn “được” hay “bị”. Tôi đã “passive voice” rồi, đâu còn “active voice” nữa mà kêu hay ca. Nhà ai gần sông hay rạch, kênh hay mương, tội gì người ta đóng tiền rác mỗi tháng ba chục ngàn đồng( gần một đô rưỡi mỹ kim chứ ít ỏi gì), họ cứ túm lấy cái thằng tôi mà quăng một cái vèo là xong, rác tôi biết bơi thì nổi lềnh bềnh ra ngoài cửa sông đứng chốt tại đó chờ bạn bè đến sau, còn như rác tôi chưa học bơi thì cứ vô tư chìm nghỉm, lâu ngày đáy sông đầy rác, chặn dòng, sông biến thành đường, tha hồ đi trên con đường phù sa màu mỡ mà không cần nhọc công san lấp mặt bằng. Ô hô, thật là sáng kiến quá đi.
Vẫn còn khối đường đi của rác tôi: thí dụ đi xe lửa này. Mấy cái bịch xốp, hộp xốp, chén nhựa, ly nhựa, muỗng nỉa nhựa v.v…nói chung là mấy thứ đựng thức ăn, thức uống trên tàu hỏa, xài xong rồi thì vứt đâu giờ? Dễ ợt, bạn có biết chuyện Trọng Thủy Mỵ Châu không? Đấy, người ta chỉ là noi theo gương người xưa rắc lông ngỗng thôi mà, bây giờ rắc bao rác dài dài “con đường thiên lý bắc nam” thì có chi đâu mà lạ. “Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi….”(*).(Xin lỗi cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, vì bất tài không biết dùng từ gì để diễn đạt, đành cóp pi nguyên văn câu hát của nhạc sĩ).
Rồi thí dụ đi tàu thủy này.Tàu thủy thì dễ phi tang nhất, cứ “đổ sông đổ biển” rác tôi là thượng sách. Bảo đảm sẽ chẳng ai biết, chỉ có một mình người đó biết( xí lộn, vẫn còn “trời biết, biển biết, ta biết, rác biết, vậy sao nói là không ai biết?”. Cái này thì xin phép ông thày google tra Cổ Học Tinh Hoa của Nguyễn văn Ngọc nhé). May mà chưa thấy rác từ trên máy bay bay xuống như …truyền đơn, chứ nếu có thì ta đã được vinh danh “đệ nhất Guiness” rồi.
Thôi rác tôi xin dừng tại đây, vì dù rác tôi có nói dài đến thế nào cũng biết chắc chẳng đi đến đâu, đâu lại hoàn đấy thôi. Rác tôi mơ có ngày được định cư nước ngoài, chắc thân phận sẽ không đến nỗi bọt bèo như ở đây đâu. Rác tôi nghe nói thôi đã thấy phát thèm: người ta phân rác tại nguồn, mỗi nguồn( rác giấy, rác chai nhựa, rác bao bì, rác hữu cơ, rác vô cơ v.v.…) đều có từng cái thùng to tướng rộng miệng và sạch sẽ, được cách điệu bằng hình chai nước suối rất ấn tượng, cho người dân ở đấy bỏ vào mà không sợ dơ tay. Tất cả sau đó sẽ được đem đi tái chế thành những thứ có ích cho môi trường( recycle, keep environment green and clean). Còn ở đây, rác tôi hẩm hiu biết mấy, người ta xả rác bất cứ chỗ nào, dịp nào: hội chợ, xem ca nhạc, du lịch cắm trại, lễ hội hoa đào, hội bắn pháo bông, hành hương, thậm chí chỉ một buổi tối ra đường hóng gió, khi lên xe về nhà cũng để lại bao nhiêu là thứ rác rưởi trên hè phố, bãi cỏ, công viên, ven sông, đường đi…..
Nói thật nhé, tuy là rác, nhưng lòng tự trọng của tôi thì cao ngất ngưởng, biết xấu hổ trước “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”( Truyện Kiều – Nguyễn Du) khi chứng kiến cảnh trái tai gai mắt nhan nhản mọi lúc mọi nơi. Còn những người kia, và tất cả những người nào đã hành xử không còn chút liêm sỉ tối thiểu, hãy mở to mắt ra mà nhìn và mở rộng óc ra mà tự sỉ nhục đi. Tôi khinh miệt đấy!
01/09/2016
NGUYỄN THỊ HUYỀN NGÂN
1/Mượn chữ trong câu ca dao:
Hòn đất mà biết nói năng,
Thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn.
2/Bài hát “Em còn nhớ hay em đã quên”(TCS).
3/Bài hát “Để gió cuốn đi”(TCS)