Nhớ ơn Thầy
Phạm Hoàng Hộ
Trần văn Diên
|
Nhớ ơn thầy PHẠM HOÀNG HỘ
Hay tin thầy Phạm Hoàng Hộ đã vĩnh viễn ra đi ngày mùng 2 Tết 2017. Tôi, Trần Văn Diên sinh viên Khoa Học Sài Gòn 1973-1978, liền chắp tay nguyện cầu linh hồn thầy Phạm Hoàng Hộ yên bình nơi cõi vĩnh hằng.
Tôi có kỷ niệm thật sâu đậm với thầy Phạm Hoàng Hộ mà trong tâm tôi luôn ghi nhớ ơn thầy.
Nguyên do là như thế nầy…
Tôi vốn được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân, ba má tôi muốn con cái của mình đều biết chữ vì thế anh chị em chúng tôi đều được đến trường. Năm 1970, xong đệ tứ trường Đức Thành quận nhà, tôi thi vào lớp đệ 10 trường trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ ban Công Thôn đậu hạng 7, Tú Tài II năm 1973 thì tôi bị động viên, khi được tiếp tục học lại thì quá trể, nên ghi danh vào Khoa Học Sài Gòn. Hoàn tất năm thứ 1, đến năm thứ 2 1974-75 vì thời cuộc nên không có thi.
Tôi về quê làm ruộng với ba má của mình, nông dân thì về với nông dân. Thỉnh thoảng có nhận thư của Mã Sau Cau là người bạn thân Khoa Học Sài Gòn nhà ở quận 5 Chợ Lớn. Vào tháng 10/1975, tôi nhận được thư của Cau thông báo phải lên Sài Gòn gấp ghi danh học lại khóa chính trị cơ bản 4 tháng áp dụng cho tất cả sinh viên. Học chính trị lý thuyết… và họp tổ liên tục. Tôi chán ngán và quyết định về quê làm ruộng. Ba má tôi rất hài lòng vì tôi cần cù siêng năng.
Thế rồi một ngày nọ nhớ về trường Đại Học Khoa Học nên tôi xin phép ba má lên Sài Gòn tiếp tục đi học lại. Đến nơi thì khóa thi đã hoàn tất nên chỉ còn cách là xin ghi danh 1976-77. Nào ngờ sau khi đi lao động kinh tế mới Lê Minh Xuân thì tổ trưởng là đoàn viên Lưu Đình Cường báo tin rằng sinh viên không dự thi năm 1976 thì không được tiếp tục học.
Tôi về quê với ruộng đồng, con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Mấy ngày sau tôi đến thăm gia đình chị Hai của tôi ở chợ Cái Sắn gần bắc Vàm Cống. Sau khi nghe tường trình mọi sự thì chị khuyên tôi nên nộp đơn vào khóa sư phạm tiểu học ở Sóc Trăng đang tuyển chọn mà chị biết có người cạnh nhà vừa nộp đơn xong. Tôi đâu còn cách nào khác lo thủ tục giấy tờ cùng việc đi khám sức khỏe tại bệnh viện Sa Đéc, theo số trời đã an định. Đến Sóc Trăng gặp thầy giám khảo trắc nghiệm người từ xứ ngàn năm văn vật vào, tuyển sinh đủ điều kiện là học xong lớp 9. Thầy bảo tôi viết “Thơ … lột trần cho ta thấy”. Thầy nhận tôi ngay và chuẩn bị học 4 tuần để làm thầy giáo tiểu học. Tôi nhớ có một bạn thí sinh viết “… đi dưới nước…” thay vì viết đúng “… đi cứu nước…” vì âm nghe lạ chữ “cứu” được bạn ấy nghe lầm là “dưới” bởi giọng phát âm của thầy thật khó nghe đối với người nơi miền Cửu Long. Đầu khóa học tôi bị bệnh vì tinh thần sa sút trầm trọng.
Sau 2 tuần lễ tôi xin phép về quê thăm ba má chủ yếu là xin ít tiền để mua thuốc bị bệnh. Trở lại trường từ nhà đến Bến Xe Mới Cần Thơ rồi chuyển qua xe đò đi về Sóc Trăng… thì bỗng nhiên tôi gặp người em gái của chị bạn học Triệu Thị Ngọc Danh cùng tổ với tôi ở trường Khoa Học Sài Gòn. Cô em này mừng rỡ cho tôi biết rằng: “các bạn trong tổ đang tìm tôi nhưng không ai có địa chỉ để thông báo rằng tôi được tiếp tục học lại”.
Tôi liền đổi hướng nhanh chân lên xe đò về Sài Gòn. Đến nơi tôi mới biết rằng hai bạn trong tổ là chị Huỳnh Thị Điểu và Triệu Thị Ngọc Danh đã vào văn phòng khoa Hóa để ghi danh cho tôi được học lại. Tôi vào văn phòng trường Đại Học Khoa Học thì được cấp ngay “thẻ ra vào” được chấp nhận là sinh viên đương thời của trường. Nhân viên cho tôi xem danh sách có ghi rõ tên tôi được tiếp tục đến trường như những sinh viên đương thời. Sự thật do lời yêu cầu của thầy Phạm Hoàng Hộ cho những sinh viên đã ghi danh học và có tham dự sinh hoạt tại khu kinh tế mới Lê Minh Xuân được tiếp tục học cho dù không dự màu thi 1976. Tiếng nói của thầy Phạm Hoàng Hộ được hội đồng trường chấp thuận. Tôi xin trọ nhà anh bạn Huỳnh Giao ở Quận 11 mùa thi năm này 1977 tôi hoàn tất 3 chứng chỉ. Niên học kế, tôi đến trọ nhà cô Sáu gần trường; mùa thi cuối 1978 tôi đậu liên tiếp 3 chứng chỉ để hoàn tất Cử Nhân Hóa Học.
Trong lòng tôi luôn ghi nhớ ơn thầy Phạm Hoàng Hộ, chị Huỳnh Thị Điểu, chị Triệu Thị Ngọc Danh và em gái của chị Danh mà trong giây phút tình cờ tôi được gặp tại Bến Xe Mới Cần Thơ vào đầu năm 1977.
Trần Văn Diên ngày 07/02/2017
NLS Cần Thơ 1970-73, Khoa Học Saigon 1973-78
|