4/9/2016
Gặp lại Yangon
Ngày 17-8-2016, chúng tôi sẽ giã biệt Bagan để trở xuống Yangon, chuẩn bị cho chuyến bay về Việt Nam vào 1 h trưa ngày 18-8-2016.
Như đã nói, thói quen lần bước tại nơi xa lạ có thể chỉ đến 1 lần trong đời, với tôi luôn là điều thú vị. Bởi khi ấy, tôi cảm nhận sâu đậm sự hiện hữu có thật của mình tại từng con đường, góc phố, nghe được tiếng nỉ non của côn trùng trong bờ cây, buội cỏ, dù cũng giống hệt tiếng rút rít của chúng trong buội cỏ, bờ cây quen thuộc chốn quê nhà; nhưng chắc chắn vẫn khác xa, vì sự rung động tuyệt vời lúc nhẹ bước rong chơi. Đi đến một nơi xa lạ, chụp vội một tấm hình để làm bằng chứng sự có mặt của mình nơi đó thì thật quá dễ, nhưng có lẽ kém phần thú vị! Với tôi, không cần cảnh đẹp chung quanh, nơi xa lạ vẫn có cái làm mình thấy lòng rung động, dù đó chỉ là một buổi sớm mai vắng lặng đến bình yên.
Nên khi chỉ còn hơn 2 giờ nữa là rời bỏ chốn này, tôi vẫn có thể nhẹ nhàng tìm sự an bình nơi đất khách, để rồi sẽ nhớ hoài những thú vị đất cố đô.
Dhammayan Gyi, ngôi đền xây dang dở, có lẽ là đền đẹp nhất nơi đây? Là ngôi đền có kiến trúc khác lạ duy nhất Bagan, là một khối tứ diện khổng lồ mang dáng dấp kim tự tháp Ai Cập. Chưa hoàn thành, sau 3 năm xây dựng, Dhammayan Gyi lại đẹp nhất thì thật chẳng hợp lý chút nào! Vậy mà đúng như thế. Hơn nữa, hoàn cảnh xuất hiện của đền là một bi kịch thãm sầu của các vương triều Bagan! Như ta biết, những ngôi đền lớn và đặc biệt ở Miến Điện là để đánh dấu một triều đại nào đó, khi nhà vua lên ngôi. Đền này do vua Narathu cho xây dựng vào 1170, để sám hối về việc giết cha và anh để cướp đoạt ngai vàng, đó là một thãm kịch thật sự, nhất là trong một vương triều thấm đẫm lòng khiêm ái của Phật giáo! Nó xuất hiện như một biểu tượng của sự hám danh và quyền lực của một con người ác độc! Ông cho chặt tay những người làm sai thiết kế, còn chừa khe hở giữa những gạch mộc không hề có chất kết dính lẫn nhau. Háo danh, ham quyền và tàn ác, dù tạo ngôi đền để sám hối, ăn năng, nhưng sau 3 năm xây dựng, lúc Dhammyan Gyi chưa hoàn tất, ông đã bị giết chết, ôm theo những tham vọng hão huyền về thế giới bên kia, để lại cho ngàn năm sau một kiệt tác đầy máu và nước mắt!
Vâng, dù chưa hoàn thành, nhưng với khối lượng khổng lồ kết hợp bởi hơn 6 triệu viên gạch mộc, tạo nên một kiệt tác kiến trúc gây sững sờ người "ngoại đạo" như tôi, bởi giải pháp sắp đặt ngần ấy các viên gạch mộc, không cần chất kết dính mà vẫn vững vàng suốt ngàn năm, khi bên trong là những hành lang thông thoáng gió lạnh giữa trưa hè!
Đền Dhammayan Gyi lộng lẫy ngay từ chiếc cổng, một khối công trình gạch mộc kết chặt nặng nề có chủ ý, nhằm tôn lên vẻ uy vũ bên trong, cùng vòng thành bao quanh với vài nơi bị hủy hoại bởi thiên nhiên và thời gian. Nó mang đến cho đền một nét đẹp của một quá trình trơ gan lâu dài cùng tuế nguyệt! Ngôi đền chính, khi bước đi lặng lẽ trong những hành lang dài hun hút, với những cửa vòm đón nhận ánh sáng vừa đủ soi nhẹ lối đi, một không gian huyền ảo đến rợn người, khiến tôi như thoáng nghe văng vẳng tiếng kêu hời tức tửi! Và tôi đã thoảng lạnh sống lưng khi nhìn thấy ánh sáng đẹp cuối hành lang, soi ảo huyền bóng dáng Thiền Sư, nhẹ nhàng bước đi giữa hư không mầu nhiệm!
Với tôi, cái đẹp của đền Dhammayan Gyi còn là sự dang dở của công trình, đỉnh stupa chưa nhọn hoắc đâm thẳng lên trời cao...khiến kẻ lang thang mãi kiếm tìm một câu hỏi liệu cuộc đời có hết những khổ đau? Chắc chắn là không, nên ta sẽ mãi băng khoăng!
Dhammayan Gyi! Dhammayan Gyi! Giữa mênh mông đất thiêng thành quách, người nghệ sĩ đã để lại đời sau, tuyệt vời một công trình kiến trúc, quặng đau một bi kịch và để lại trong tôi một câu hỏi không lời kết, về phận đời và phận người!
Sau khi rời chợ Nyaung Oo, chúng tôi tiếp tục trở lại kinh đô Bagan với những đền cùng tháp, trở lại Bagan với những con đường bụi đỏ, len lỏi qua những tháp cùng đền. Thời gian như ngừng đọng trên cỏ trên cây, trên cả những gì đang di chuyển, bởi đâu đây văng vẳng tiếng thì thầm của thần dân vương quốc cũ, đang như dập dìu giữa những thành quách ngạo nghễ ngút trời xanh.
Gạch đỏ rêu phong!
Gạch mòn chân đất!
Stupa buồn ngân ngất vút trời cao.
Đường bụi xưa còn đó dấu hài xưa,
Nào ai lỡ một lần bên tháp vắng,
Để ngậm ngùi một chút bóng ngàn năm!
Vâng, dù đã từng qua lại mấy lần trên khu thiêng liêng, thần thánh này, tôi vẫn không bao giờ thấy chán, bởi mỗi lần tới đây là một lần rung động, đắm say! Bởi lần nào cũng thế, tôi luôn sững sờ trước những cổ tháp gạch nung. Trên 2000 ngôi như thế, với kiễu dáng khác nhau, từ những công trình còn nguyên vẹn, đến những phế tích vỡ đổ ven đường, tất cả đều đẹp một cách huyền thoại thấp thoáng sau tàn cây, bóng lá; đẹp một cách uy nghiêm trong lồng lộng trời xanh!
Đến với Bagan là đến với một thời cực thịnh của nghệ thuật, của kiến trúc, của một nền văn hoá Phật giáo đang vào giai đoạn phát triển bền vững! Ngoài cái vẻ đẹp lộng lẫy của những stupa khổng lồ được phủ vàng như đền Shwezigon(người anh em sinh đôi của Shwedagon) đến cái đồ sộ đến sững sờ của đền Dhammayan Gyi.
Hàng ngàn đền tháp Bagan, thật sự là những kiệt tác mỹ thuật và kiến trúc mà thời gian hạn hẹp trong lúc đi chuyển không cho phép tôi đề cập sâu hơn, việc này xin hẹn lại lúc trở về quê hương. Bây giờ mời các bạn xem ảnh.
Nyaung U là chợ lớn nhất ở khu vực Bagan, cũng giống như nhiều nơi khác là một tổ hợp nhà cửa, gian hàng bao quanh, trên một diện tích hình vuông, bán buôn sĩ và lẻ các mặt hàng từ tiêu dùng đến các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và mỹ nghệ. Đoàn chủ yếu là tìm mua các món quà kỹ niệm như tượng Phật gỗ, quạt trầm, dù Miến, ... Giá cả bây giờ dường như bắt đầu ...cứng hơn 2, 3 năm trước!
Tôi lại lang thang tới bến xe ngựa, bây giờ lại đầy xe ôm, để tìm lại chút..."hương xưa"! Cái cảm giác hơi luyến tiếc vì sự mất dần những hình ảnh đặc trưng xưa cũ trên một đất nước vẫn còn chưa phát triển, liệu có phải là vì một suy nghĩ bất công đối với những thay đổi tự thân và tự nhiên của người dân bản địa? Vì xét cho cùng, do nghèo mà họ phải mưu sinh bằng sức người và sức ngựa, do nghèo mà họ không thể thoát ra khỏi chiếc xe đạp Rickshaw, không thể buông đôi tay, còng chiếc lưng...theo phận đời lận đận!
Và tôi lại tiếp tục lang thang để vừa luyến tiếc lại vừa mong ước một đổi thay làm họ bớt đi nhọc nhằn trong cuộc sống!
Mong Phước Minh