ĐÊM GIAO LƯU VĂN HÓA CỒNG CHIÊNG
Văn hóa cồng chiêng là một nét trong nghệ thuật của người dân tộc ở các tỉnh vùng cao nguyên, đây là loại hình văn hóa truyền thống lâu đời còn lưu giữ và tái tạo trong nếp sinh hoạt của các dân tộc anh em ở Tây Nguyên, trước đây nó là hoạt động nhỏ lẻ có tính tự phát trong các lễ hội của người dân tộc và như một nét nghệ thuật dân tộc độc đáo của người Kinh ở các tỉnh miền Trung du hiện vẫn còn tồn tại đến ngày nay .
Trong một chuyến đi Lâm Đồng công tác xã hội, tôi đã nghe giới thiệu về loại hình văn hóa này, trước đây chỉ thấy trên phim ảnh hay sách vở và hiện nay nó đang được phổ biến như món ăn tinh thần nên đoàn chúng tôi đăng ký tham gia một đêm giao lưu với người dân tộc ở huyện Lạc Dương tỉnh Lâm Đồng .
Lạc Dương là huyện nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam. Diện tích tự nhiên: 131.233,03 ha. Phía đông giáp 2 tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa. Phía tây giáp 2 huyện Lâm Hà và Đam Rông. Phía nam giáp thành phố Đà Lạt. Phía bắc giáp tỉnh Đắk Lắk.
Từ Đà Lạt về xã Lát ( nơi có phong trào văn hóa Cồng Chiêng hoạt động rất mạnh ) có 12 km, nhưng là cả một quảng đường hấp dẫn để khám phá. Những ngôi nhà bé như hộp diêm, những đồi thông bạt ngàn, những trang trại trồng rau, hoa quả, hoặc ngắm nhìn hồ Suối vàng lấp loáng dưới ánh mặt trời, nơi cung cấp nguồn nước ngọt cho Đà Lạt. Tất cả đều là những bút vẽ chân thực nhất về một cao nguyên Lâm Viên .
Đoàn chúng tôi chuyến này về tới Dalat trong một ngày mưa tầm tả, lúc đầu chỉ nghĩ mình sẽ lỗi hẹn với đêm giao lưu hấp dẫn này, nhưng sau đó được nghe tin chuẩn bị đến 7 g sẽ khởi hành tham dự giao lưu làm chúng tôi mừng không kể xiết, rất tiếc là cơn mưa khiến trời mau tối từ TP Dalat đã sáng rực đèn đường xe cứ chạy như về vùng thôn bản trong đêm, qua những đoạn đèo con dốc tới một nơi lung linh ánh đèn màu thì tới nơi,
sau cơn mưa đường loáng nước nhưng chuyến xe cứ chạy trên những đoạn đường nhựa phẳng lì, vừa ngừng lại chúng tôi bước xuống đã được chủ nhân chào đón để đưa vào nhà rông to và rộng ( kiểu nhà sàn nhưng rộng như hội trường của người Kinh) đây là nơi được tổ chức giao lưu có tên Lang Biang giống như hội quán (hay câu lạc bộ) nhìn cách trang trí thì có thể ban ngày là quán café miền núi ban đêm thì hợp đồng để tố chức giao lưu giống như một Show diễn đặc biệt về văn hóa Dân Tộc.
Sau khi được hướng dẫn lên bậc thang bước vào căn nhà sàn, điều đập vào mắt chúng tôi là hai bên vách được treo những hình ảnh sinh hoạt của người dân tộc, cồng chiêng bằng đồng, nơi cuối gian là một sân khấu nhỏ trang trí các loại nhạc cụ dân tộc : đàn T’rưng, Đàn Klông Put,Tù Và làm bằng sừng trâu, trống, bộ cồng chiêng bằng đồng (Chiêng Êđê một bộ có 10 chiếc. Ba chiếc có núm gọi là Ching, giữ trách nhiệm là bè đệm cho hòa tấu. Bảy chiếc không có núm gọi là knă, đảm nhận
phần giai điệu chính (trừ chiêng Char). Thường người ta sử dụng có 9 chiếc, còn ching Moong chỉ dùng khi có đám tang.
Ngay giữa nhà có một khung gỗ lớn hình vuông có đổ lớp đất cát dày khoảng 3-4 tấc để đốt lửa khi nhảy múa (giống như ngoài trời) chương trình do biểu diễn hàng đêm nên nhà sàn có mái để che mưa nắng..
Chương trình bắt đầu trong tiếng nhạc Tây Nguyên và những ánh đèn màu chớp tắt, một MC trong trang phục người dân tộc ra chào đoàn khách và giới thiệu nội dung, anh ta còn khá trẻ và nói tiếng Việt theo âm điệu của người dân tộc, nhưng biết cách pha trò và phần giới thiệu rất hấp dẫn, khởi đầu là tiết mục ca nhạc : Ngọn lửa Cao Nguyên thật sôi động rồi tiếp tục đến các tiết mục múa, bếp lửa ngay giữa phòng được đốt lên với những đôi trai gái dân tộc múa hát rất chuyên nghiệp, sau màn khởi động, anh MC mang một bình rượu Cần mời mọi người thưởng
thức, các cô gái Tây Nguyên mang đến chia phần cho mỗi người những xâu thịt heo rừng nướng vừa nóng vừa hương thơm đậm đà, khi men rượu lâng lâng thì cả đoàn được mời tham dự giao lưu ca hát và múa các điệu múa Tây Nguyên với phần hường dẫn chu đáo kèm theo các đôi nam nữ Tây Nguyên thuần thục từng động tác làm mẫu cho mọi người tham gia khiến đêm giao lưu thêm phần sôi động
Chương trình sôi nỗi tiếng vỗ tay và niềm vui của mọi người và kết thúc vào lúc gần 9 g đêm với lời chào thân thiện và những tấm ảnh lưu niệm do đoàn cùng chụp chung như là một kỷ niệm đáng ghi nhớ trong lần về thăm vùng đất Tây Nguyên này
TRONG HƠI MEN RƯỢU CẦN
Chiều buồn mưa rơi rơi
Nơi bản xa bồi hồi
Căn nhà sàn phố núi
Ta nghe hồn chơi vơi
Khi bước lên cầu thang
Quán café ngỡ ngàng
Nghe lời chào xa lạ
Hương cao nguyên Lang Biang
Nơi một thời lãng du
Giữa cao nguyên mịt mù
Vẫn giữ hồn dân tộc
Bộ gõ còn thiên thu
Chàng trai vùng cao nguyên
Lời ấm nồng dáng nghiêng
Bắt đầu phần văn nghệ
Màn biểu diển Cồng Chiêng
Đống lửa giữa nhà sàn
Như ấm lại không gian
Điệu múa cô Sơn Nữ
Làm đẹp cả không gian
Em mời xâu thịt rừng
Một hơi hương rượu Cần
Sao thấy hồn bay bổng
Ngoài trời mưa lâm râm
Chưa lưng chum rượu đầy
Sao lòng bỗng dưng say
Sao nao lòng lữ khách
Tiếng nhạc vẫn còn đây
Giã biệt đêm cao nguyên
Tưng bừng hội Cồng Chiêng
Sau này lòng vẫn nhớ
Nghĩa tình người Lạc Dương
TRAN CHU NGOC
Tác giả Tran chu Ngọc ( CĐSP NLS K7)
|