Ngoài các mặt hàng tôi đã kể, chợ này có nhiều món ăn mà tôi thật sự không biết, văn hóa ẩm thực là một trong những trãi nghiệm thú vị trên bước đường du lịch; tiếc rằng tôi lại dở về môn này, nên đôi khi cũng thiếu sót, đành phải chộp ít ảnh để bạn bè coi, riêng mình lần tới, khi trở lại Kalaw chắc cũng “liều gan” chơi thử vài món cho biết mùi!
Và có một mặt hàng rất phổ biến tại các chợ Myanmar, rất quen thuộc với người Việt, đó là trầu, món ăn chơi vẫn còn thịnh hành trong xã hội Miến Điện.
Chợt một đoàn Sư khất thực vừa xuất hiện từ một lối mòn, dẫn đầu là các vị lớn tuổi, theo sau là các chú sadi nhỏ, tôi sẽ tìm hiểu thêm để chia sẻ cùng các bạn về luật tục này của Phật giáo Nam tông, trong những phần tới.
Lúc len lỏi trong chợ, tôi thật sự thích thú khi bắt gặp những cháu bé dễ thương theo mẹ đến mua, bán ở chợ, chúng ngây thơ như tất cả trẻ con trên trái đất này. Và tại đây, 1 đất nước nghèo, giống như nước “ Việt đang luôn không chịu phát triển vì …đủ thứ lý do”, các trẻ con vừa ngây thơ lại vừa có cái vẻ nghèo“tội nghiệp” trong cái chợ “vườn” rất đơn sơ tại vùng cao lạnh lẽo này, đơn sơ như những chiếc chỏng tre, kệ gỗ, đơn sơ như những chiếc cân tự chế được dùng phổ biến tại đây.
Nhìn các cháu bé này với áo quần lành lặn, tôi nhớ đến hình ảnh do các nhà báo có tâm chụp được, cảnh những cháu nơi nhiều vùng cao trong nước, còn tội nghiệp hơn gấp bội, đang hàng ngày phải ăn cơm trắng, hoặc với canh rau rừng để đi học, đeo dây cáp, ngồi bè mảng, vượt sông để đến trường tìm cái chữ, những đứa trẻ tội nghiệp của đất nước tôi ơi, mặc không đủ ấm vào mùa đông rét buốt! Trong khi không biết bao nhiêu quan chức lại nhẫn tâm tiêu tốn hàng trăm ngàn tỷ đồng vì hoang phí trong các công trình xây dựng vô bổ, vì sự tham ô vô độ!
Dù không tìm được cái sắc màu đặc trưng của vùng cao đất Miến, tôi vẫn cảm thấy thú vị khi bắt gặp đâu đó cái quen quen của chợ làng quê nhà nơi xứ lạ. Đó là quán cà phê sớm không khách, vắng teo! Đó là các “tiệm nước” giống cái thuở một thời hồi còn bé, với những chiếc ghế, chiếc bàn ọp ẹp trong quán nhỏ ám khói bên đường, một chảo chiên “giò cháo quảy” sôi dầu đang thở khói ban mai, những quán “cháo”, quán bún, thực khách ngồi chồm hổm hay trên ghế đẩu sì sụp húp, …Lại có 1 nhóm người Shan đang chỉ trỏ vào “tiệm nước”, chắc họ đến từ trong núi, lâu lâu có dịp ra đây, muốn vào ăn tiệm để thưởng thức cái ngon của “chợ đời”? Ô hay, hình ảnh ấy vừa dễ thương lại vừa làm mình xúc động.
Và cuối cùng 2 hình ảnh ấn tượng, khiến tôi bâng khuâng mỗi khi nhớ đến Kalaw, mỗi khi nhớ đến những chợ nghèo ở quê nhà. Đó là một chú bốc vác vừa quẳng bao hàng xuống chợ, nhận xong chút tiền công, đứng châm điếu thuốc, thở ra hơi khói “phận nghèo”, giữa chợ đời cơ cực! Đó là hình ảnh người phu xe già, đang tiếp tục những bước chân nhọc nhằn để mưu sinh, dù trên đầu tóc đã nhiều sợi bạc!
Sau một lúc lòng vòng trên các con đường Kone Thae St., Station St., Min St.,..tôi bắt đầu vào chợ và gặp ngay những hình ảnh rất-lạ-lại-rất-quen. . Chợ là 1 đoạn ngắn khoảng chừng 100 mét của đường Kone Thae St. nối dài, từ ngã tư giao cắt với đường Station Street, cộng với 1 đoạn đường nhỏ chưa có tên ở cuối đường Kone Thae nối dài này, tạo nên 1 khu chợ hình chữ T hoàn toàn lộ thiên(có màu xanh da trời trên bản đồ). Là khu chợ không họp hàng ngày nên cái gì cũng có vẻ tạm, từ vài tấm nhựa trãi vội dưới đường, đến mấy tấm bạt che nắng trên đầu. Những kệ, những sạp thô sơ đã được bày ra đầy con đường mà hôm qua tôi thấy trống, trên đó những bao hàng còn chưa được mở ra.
Ngay đầu đường, là các sạp bán hàng làm tôi chú ý vì nó mang “tính Miến” rất cao, đó là hàng thủ công lưu niệm, gồm những mặt nạ, mặt Phật, tượng gỗ, phù điêu, chuổi hạt cẩm thạch…rất mỹ thuật, có lẽ đây là mặt hàng yêu thích của khách Tây. Đó là thân cây cần thăng ( Feoniella lucida Rutaceae) cắt khúc, dùng để mài lấy bột làm phấn “thanakha” thoa mặt, loại mỹ phẩm thiên nhiên này có lẽ là thứ đặc biệt nhất mà người Miến cả nam lẫn nữ, sử dụng thường xuyên và phổ biến!
Sau khi tới, lui quan sát khu chợ phiên, tôi hơi thất vọng vì chưa khám phá được gì hấp dẫn, ngoại trừ 1 phát hiện, khi “xâu chuổi” lại những hình ảnh về các chợ Miến Điện mà tôi đã từng ghé qua ở Yangon, Taunggyi, Bagan… năm 2013, ở Aungpan, Kalaw bây giờ, thì thấy tại tất cả các chợ đều không hề có bán thịt sống như con heo, con gà, con cừu...tất cả đều đã được làm sẳn, xẻ thịt bán lẻ, còn thủy sản thì chẳng có thau, thùng rộng cá, tôm sống…như ở ta, chỉ có cá chết còn tươi hoặc khô…có thể xem đây là một thắc mắc khá là thú vị đối với tôi! Cho nên sau đó tôi hỏi Sư Hoài và được Sư giải thích rằng do trên 90% dân Miến theo Phật giáo Nam tông, được phép ăn mặn, kể cả các Sư, nhưng họ chỉ được ăn thịt do người khác đã giết sẳn chứ không được phép giết vật để ăn. Vậy thì ai làm việc này? Ai giết heo, gà để mang ra chợ bán? Đó là các người Miến theo đạo khác như Công giáo, Hồi giáo…dĩ nhiên đây không phải vì họ ác, chẳng qua cũng là một hoạt động bình thường trong cuộc sống thôi, việc làm đó chỉ để giải quyết một nhu cầu cần thiết của con người.
Vì chợ rất nhỏ nên tôi chẳng mất nhiều thời gian để đi thăm hết. Ngoài mặt hàng công nghiệp như quần áo, giày dép, nón, giỏ, thực phẩm chế biến sẳn …thì hầu như có đủ các loại nông sản quen thuộc như trái cây nhiệt đới cam, quit, dừa, chuối, mảng cầu, bơ …các loại rau củ như cà chua, hành, mướp…, các loại thịt heo, gà, cá, khô, trứng cút….
Đặc biệt là hoa kiểng, thứ này thì được bày bán thật nhiều, lại tập trung tại 1 khu vực rộng lớn của chợ. bông hoa được các bà nội trợ mua về để chưng cúng trên bàn thờ hay trang trí trong nhà, đây là một trong những nét văn hóa rất giống với người Việt ta, có điều tôi chẳng thấy giống hoa nào đặc sắc, chúng kém xa so với Đà Lạt, dù điều kiện thiên nhiên như nhau .
Ngoài ra, tôi cũng bắt gặp vài loại hàng đặc biệt gần giống như bên mình như cơm lam trong ống tre, bánh gói…
(Còn tiếp)