Dễ chịu trên đường
Ra đường, tức là bước ra đối mặt với bao nhiêu điều phiền toái không thể tránh. Nhẹ thì ồn ào, khói bụi, kẹt xe...., nặng thì va quệt, xe hư, mưa nắng....Và có khi còn nặng hơn thế, là những nguy hiểm: tai nạn, cướp giật, lừa đảo. Cho nên, nếu trong một ngày bất chợt, ta gặp được những dễ chịu trên đường, thì nguyên ngày hôm ấy, lòng bỗng nhiên phơi phới vui tươi.
Chuyện thường gặp nhất là chuyện quanh cái chân chống xe. Dựng nghiêng xe để khóa cửa nhà, đến khi quay ra xe và lên yên ngồi, ta thường lơ đễnh quên béng mất chuyện gạt chống rồi cứ thế phom phom. Cái chống chân tuy nhỏ nhưng nếu có chuyện xảy ra thì hậu quả xem ra không nhỏ chút nào. Nghiêng xe quẹo cua, chân chống sẽ ma sát mặt đường nghe rèn rẹt đến ghê cả tai, âm thanh nhắc ta nhớ rằng mình đã quên gạt chống. Tai nạn có thể xảy ra, có thể làm ta té bổ nhào vì nó thuộc dạng “vật cản đường”. Ai chạy xe hai bánh mà không biết nhiều vật cản nhỏ như hòn đá, ổ gà... cũng làm cho xe giật nảy mình, huống chi cái chân chống vừa cứng, vừa gắn liền với một vật thể đang di chuyển. Biết thế mà chẳng thể rút kinh nghiệm, nhớ lần trước thì lại quên lần sau do tính “nhớ trước quên sau”, hay vì gấp gáp quá như trong câu ca dao “đi đâu mà vội mà vàng, Mà vấp phải đá mà quàng phải dây”. Và còn muôn vàn lý do khác.
Có ngày, đi đã đời, về đến nhà vẫn thấy cái chân chống ở nguyên hiện trạng như vừa ra khỏi nhà, thấy giật mình, đồng thời cũng thở phào, thốt lên một câu mừng rỡ:“may mà không té”. Nghĩa là cái chống vẫn ở trong tư thế giương càng, cách mặt đường đúng một gang tay. Chắc suốt lộ trình cái chống xe cũng muốn chống đối chủ nhân của nó ghê lắm, vì đã quá vô tình chẳng ngó ngàng chi đến nó. Nhưng tính nó thương ông chủ, chủ tớ gắn bó nhau bao nhiêu năm nay, nên dọc đường nó chỉ biết lâm râm cầu nguyện, sợ chủ nhân vì một phút lơ đãng mà té chổng chống đến nỗi phải chống gậy thì cái chống mình sẽ hối hận chứ vui vẻ gì. Nó đành cắn răng chống chọi, cố không va vấp mặt đường, mong sao chủ nhân đi đến nơi về đến chốn an toàn, là bổn phận của bầy tôi trung thành là nó, ở đó mà chống với gạt chống.
Nhưng cũng có ngày, hắn vừa chạy ra khỏi nhà chưa được cây số, đã nghe một giọng nói từ phía sau bay vút tới: chân chống anh ơi. Tiếng người bay cùng với tiếng xe, vọt ra trước đầu xe hắn đến hơn năm mét, hắn chỉ kịp “ớ quên”nhìn xuống, loay hoay gạt chống lên, thì cả người cả xe đã vọt thêm mười mét nữa, không buồn nhận lại tiếng cảm ơn (rất chân thành) của gã tài xế xe máy rất đỗi mơ màng nọ.
Và lại có ngày, hắn đi không quá nhanh, cũng không quá chậm để một cô bé nữ sinh xinh xinh kịp đạp chiếc xe mini lên ngang tầm xe với hắn, rồi rụt rè nói nho nhỏ một cách rất ư lễ phép, thể như là nói ra điều này sẽ làm phật ý, sẽ bị “chú” kia quát nạt hay sao ấy:
- Chú ơi chú, chú gạt cái chân chống lên kìa, chú ơi chú.
Chu choa, con cái nhà ai mà dễ cưng vậy cà, đã làm ơn cho người ta mà còn sợ bị người ta rầy! Chú bèn vội vàng lên tiếng cảm ơn (vì chú rất sợ mắc nợ một lời cám ơn), thì được nhận lại cái giọng nói rất trong trẻo của con nít:
- Dạ hông có chi đâu chú.
Thế là hắn bèn gói lại những lời nói êm ái kia, mang theo về tận nhà với sự nhẹ nhõm lâng lâng ở trong lòng.
Tương tự, cái đèn si nhan chớp nháy trái phải liên tục mà hắn thì vô tư chạy thẳng, hay phía xa xa kia là mấy chú công an đang bắt xe đi ngược chiều....được những người đi đường tốt bụng méc nhỏ cho khỏi phạm lỗi trước khi quá muộn.
- Đèn chú ơi/ công an anh ơi/em bé sắp ngủ gục kìa chú/ coi chừng áo mưa quấn dzô bánh xe anh ơi......
Những lời nhắc nhở của những người trên đường không hề quen biết làm cho hắn thoáng có chút vui vui, vì biết không phải người nào cũng hờ hững mặc kệ như người nào. Một chút an ủi nhỏ nhoi giữa cuộc tất bật ngược xuôi làm cho lòng hắn lắng lại, nhẹ nhàng.
Thành phố rộng lớn, chỉ cần đi ra khỏi lãnh địa của mình, ta bỗng trở nên rối tung lên với hàng loạt tên đường lạ hoắc, hàng đống số nhà chồng chéo, hàng trăm ngõ ngách chi chít dọc ngang. Chỉ có cái miệng là phương tiện hữu hiệu duy nhất để tìm được lối ra trong những trường hợp như thế này. Hắn là thổ địa, là trùm ở khu vực hắn đang ở, nhưng khi đi lạc vào mê hồn trận tít quận tư, quận tám, quận sáu, quận mười một, hay Bình Tân, Gò Vấp, v.v.... thì lập tức hắn thành “thầy bói sờ voi”. Chắc ăn nhất là hỏi thổ địa tại chỗ, là mấy anh xe ôm, anh sửa xe, là mấy chị bán hàng tại nhà, chị ôm con đứng hóng gió.....Sẽ không gì tận tình hơn.
- Đường đó hả, chú bỏ hai cái ngã tư đèn xanh đèn đỏ, tới ngã tư thứ ba chú quẹo trái, chạy thẳng một đoạn cỡ năm trăm mét thì quẹo phải, tới đó hỏi thêm người ta sẽ chỉ tiếp cho.
- Đường đó hả, đường đó bị mấy cơn mưa ngập hết rồi, lầy lội khó đi à nha, để tui chỉ anh đi đường này xa hơn chút nhưng náng (láng) o à.
- Đường đó quận mấy, phường mấy nói rõ tui chỉ cho trúng, chớ nó dài lúm, kéo dài qua hai quận lựng mà”..v.v....
Ôi, những người bình dân chơn chất mới dễ mến làm sao!
Hắn đang đi giữa đường bỗng gặp trời mưa như trút. Chết cha, quên mang áo mưa. Nhìn quanh không có xe thuốc lá nào để mua đỡ cái áo poncho, mà người ta thường gọi là áo mưa phương tiện (áo mưa tiện lợi) khi đang lỡ độ đường. Dắt xe leo lề, hắn đứng khép nép dưới mái hiên nhà một cửa hàng. Chỗ người ta buôn bán, mình đứng choán chỗ cũng ngài ngại. Đang bối rối thì chị hàng đã nói vọng ra, xởi lởi:
- Đứng xích dô (vô) xíu anh ơi, mưa tạt ước (ướt) hết gồi (rồi), dìa (về) bịnh (bệnh) tụi nghịp (tội nghiệp).
- Tui làm ướt cửa hàng chị rồi.
- Nhằm nhò chi anh, mưa phải ước chớ, hổng có anh đứng che (!) mưa tạt còn ước bạo.
- Chị cứ khép bớt cửa, tui đứng mái hiên cũng được.
- Đâu được anh, mưa gió dầy (vầy) có ai dô mua đâu, có anh đục (đụt mưa, trú mưa, tránh mưa) nói chiện (chuyện) cũng dui (vui), mưa bùn (buồn) góa (quá), lại ngài (ngày) ế ẩm nữa gồi.....
Hết mưa rồi, hắn dắt xe ra khỏi chỗ “đục” khi nãy, lòng cứ miên man suy nghĩ, phải chi trên đời toàn những người dễ thương như vậy thì cuộc sống này mới thật dễ chịu biết bao.
Cái xe cà tàng của hắn lâu lâu lại trở chứng không nổ máy, có hôm còn bị cán đinh xẹp lép. Ám ảnh ba cái vụ rải đinh chém đẹp, hắn thất thểu dắt chiếc xe nặng trịch, vừa thều thào nhạc Trịnh”mây che trên đầu và nắng trên cao”(Một cõi đi về) cho qua khỏi“vòng tròn đinh tặc” ( vòng trò dàn cảnh người rải, người giả vá xe). Mà cái vòng tròn này hơi bị bự, phải cả cây số chứ chẳng chơi. Bỗng có tiếng kêu ơi ới từ bên kia đường “vá xe chú ơi”. Không thể tin ai, hắn đẩy tiếp xe về phía trước, mắt liếc nhìn sang đối phương đang í ới gọi mời, chắc mẩm giả (gã) đang tìm cách dẫn dụ hắn vào tròng. Một ông bác đứng tuổi, người ngợm dơ hày dầu xe nhớt máy, áo quần lếch thếch lôi thôi. Động lòng, hắn lưỡng lự. Phía trước thì không biết còn bao xa mới có chỗ sửa xe, rồi đoán mò chắc đã bước ra khỏi “vòng kim cô”, đành tặc lưỡi thôi kệ, mắc chút đỉnh, coi như xả xui. Hắn dắt xe sang đường với tinh thần cảnh giác cao độ, vừa nhìn người vá xe thao tác, vừa nghĩ ngợi lung lắm: năm chục, bảy chục hay một trăm? Chẳng lẽ hai trăm, chém gì chém vừa thôi, giá cả phải chăng, lần sau còn ghé nữa (ấy chà, còn định lần sau ngang qua đây vướng“đinh nạn” nữa à?)
- Xong rồi.
- Nhiêu chú?
- Mười ngàn.
Chao, giật cả mình, tưởng nghe nhầm, phải hỏi lại vì không tin.....
Cầm tờ tiền mười ngàn, hắn đưa một cách rụt rè, vừa hỏi:
- Sao rẻ vậy chú? Chú có tính lộn không?
Cái nụ cười mới hiền lành làm sao:
- Đúng giá thôi, lấy như người ta, đâu có rẻ chi.
Tự mình trách mình đa nghi, gặp ai cũng nghi tầm bậy, đời có người này người kia, chưa chi đã quơ đũa cả nắm, tội nghiệp cho người bị oan.
Hắn vừa chạy xe vừa huýt gió. Hôm nay trông hắn vui hẳn, vì hắn vừa mới biết thêm được một người hiền.
24/7/2017
NGUYỄN THỊ HUYỀN NGÂN
|